Đề nghị chưa bổ nhiệm lại Thẩm phán để xử lý trách nhiệm với 11 trường hợp

(PLO)- Đây là nội dung được nêu trong báo cáo công tác của các tòa án trong năm 2024 của Chánh án TAND Tối cao.

Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí vừa ký báo cáo gửi Quốc hội về công tác của các tòa án trong năm 2024.

Trình kéo dài thời hạn giữ chức vụ với 2 Phó Chánh án TAND Tối cao

Liên quan đến công tác cán bộ, Chánh án Lê Minh Trí cho hay tính đến ngày 30-9-2024, các TAND có 14.015 biên chế, gồm 6.399 Thẩm phán, 2 Thẩm tra viên cao cấp và tương đương, 482 Thẩm tra viên chính và tương đương, 6.835 Thẩm tra viên, Thư ký và tương đương, 88 viên chức và 209 chức danh khác.

Chánh án TAND Tối cao đã trình Chủ tịch nước phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán đối với 633 trường hợp; đề nghị chưa bổ nhiệm lại Thẩm phán để kiểm điểm xử lý trách nhiệm theo quy định đối với 11 trường hợp.

“Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý tiếp tục được quan tâm”- theo Chánh án Lê Minh Trí.

Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cụ thể, báo cáo cho hay TAND Tối cao đã thực hiện quy trình đề nghị bổ sung quy hoạch Phó Chánh án TAND Tối cao giai đoạn 2021-2026 và giai đoạn 2026-2031 đối với 3 người.

Đồng thời, tiến hành quy trình rà soát, lấy phiếu giới thiệu nhân sự quy hoạch lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2021-2026 và quy hoạch nhiệm kỳ 2026-2031 đối với 10 đơn vị thuộc TAND Tối cao và 3 TAND Cấp cao.

TAND Tối cao đã thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự đề nghị bổ nhiệm lại 1 Phó Chánh án TAND Tối cao, trình Chủ tịch nước kéo dài thời hạn giữ chức vụ đối với 2 Phó Chánh án TAND Tối cao; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ Chánh án, Phó Chánh án TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện đối với 504 trường hợp…

TAND Tối cao đã xây dựng Kế hoạch tổ chức kỳ thi tuyển dụng công chức Thư ký viên TAND năm 2024; tổ chức thi Thẩm phán đối với 681 người đủ điều kiện dự thi…

Cơ quan này cũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt danh mục vị trí việc làm và nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với các chức vụ lãnh đạo quản lý và chức danh chuyên môn trong TAND…

6 công chức ngành tòa án bị buộc thôi việc

“Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ và xử lý công chức, người lao động có hành vi vi phạm được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc”- báo cáo của Chánh án Lê Minh Trí khẳng định.

Theo đó, TAND Tối cao đã thành lập các Đoàn kiểm tra do các Lãnh đạo, Thẩm phán TAND Tối cao làm trưởng đoàn để kiểm tra công tác chuyên môn năm 2023 của các Tòa án cấp cao và Tòa án 2 cấp tại 25 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đồng thời, tổ chức 217 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 360 đơn vị; trong đó, TAND Tối cao đã tiến hành 9 cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ, chỉ ra những thiếu sót, vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của công chức, Thẩm phán.

Cùng với đó, hoạt động giám sát đối với Thẩm phán được tăng cường theo hướng thực chất. TAND Tối cao đã kiểm tra, nghiên cứu, thẩm tra đối với 877 hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán; nghiên cứu nhiều bản án, quyết định của Thẩm phán bị hủy, sửa và 246 bản án hình sự có kết quả xét xử cho bị cáo hưởng án treo, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền là hình phạt chính.

Đặc biệt, nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đối với 16 Thẩm phán bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân.

“Việc thẩm tra hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán, hồ sơ miễn nhiệm, hồ sơ đề nghị bổ nhiệm chức vụ được thực hiện thận trọng, kịp thời, đúng quy định”- theo báo cáo.

Cạnh đó, các Tòa án cấp tỉnh cũng tăng cường kiểm tra công tác chuyên môn đối với TAND cấp huyện theo kế hoạch để kịp thời phát hiện, khắc phục, rút kinh nghiệm những sai sót chuyên môn, nghiệp vụ.

“Trong kỳ báo cáo, có 47 trường hợp bị kỷ luật hành chính”- Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí cho biết.

Trong số này, khiển trách 34 trường hợp, cảnh cáo 6 trường hợp, cách chức 1 trường hợp, buộc thôi việc 6 trường hợp. Trong số 6 trường hợp bị buộc thôi việc, có 5 trường hợp bị xử lý hình sự, gồm: 3 trường hợp bị kết án về tội “Nhận hối lộ”; 2 trường hợp bị khởi tố, chưa kết án nhưng đã bị kỷ luật khai trừ Đảng, buộc thôi việc.

Ngoài ra, có 5 trường hợp bị kỷ luật đảng hình thức khiển trách, đang xem xét xử lý kỷ luật hành chính và 5 trường hợp bị xử lý hình sự, đang trong giai đoạn điều tra.

Thiếu Thẩm phán trung cấp

Một trong những hạn chế, vướng mắc trong công tác của các tòa án năm 2024, theo nhận định của Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí, là số lượng biên chế chưa đáp ứng với khối lượng các loại vụ việc thụ lý ngày càng tăng với tính chất phức tạp, thiếu các chức danh tư pháp, nhất là Thẩm phán trung cấp.

Cạnh đó, công tác luân chuyển, điều động cán bộ, Thẩm phán giữa các Tòa án (nhất là điều chuyển về miền núi, vùng sâu, vùng xa) còn gặp khó khăn. Chế độ chính sách, tiền lương chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao.

“Một số công chức Tòa án chưa chấp hành nghiêm kỷ luật công vụ, chưa rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức dẫn đến bị xử lý kỷ luật và cả pháp luật hình sự”- theo Chánh án Lê Minh Trí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới