Đề nghị QH phê chuẩn hai phó thủ tướng

Đó là những thông tin được đưa ra tại buổi họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XIII (chiều 17-10). Như vậy tới đây, nếu Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (CP) Vũ Đức Đam chính thức được QH phê chuẩn thì số lượng phó thủ tướng CP sẽ tăng từ bốn lên năm.

Đề nghị tăng một phó thủ tướng

. Phóng viên: Thời gian qua báo chí nước ngoài đưa tin là tới đây CP sẽ đề nghị QH phê chuẩn hai phó thủ tướng, thông tin này là thế nào? Việc CP đề nghị miễn nhiệm Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng CP Vũ Đức Đam có liên quan gì đến việc giới thiệu phó thủ tướng không?

+ Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc: Đúng là kỳ họp này QH sẽ dành thời gian để xem xét vấn đề nhân sự, trong đó có việc miễn nhiệm phó thủ tướng đối với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân (mới được cử giữ chức chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam). Tuy nhiên, ngoài đồng chí được giới thiệu thay đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thì Thủ tướng CP còn đề nghị tăng thêm một phó thủ tướng nữa. Như vậy, kỳ này QH sẽ xem xét phê chuẩn hai phó thủ tướng do Thủ tướng đề xuất. Đây là thẩm quyền của Thủ tướng. Trong danh sách Thủ tướng trình QH phê chuẩn thì có đồng chí Vũ Đức Đam, hiện là Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng CP.

Đề nghị QH phê chuẩn hai phó thủ tướng ảnh 1

Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng CP Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

. Ngoài ông Vũ Đức Đam thì người thứ hai mà CP đề nghị QH phê chuẩn làm phó thủ tướng là ai?

+ Chắc chắn đến ngày đó các bạn sẽ biết. Tuy nhiên, tôi có thể thông tin là trong danh sách Thủ tướng đề nghị có đồng chí Phạm Bình Minh (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) và đồng chí Vũ Đức Đam.

. CP đã giới thiệu để QH phê chuẩn nhân sự thay thế Chủ nhiệm Văn phòng CP Vũ Đức Đam chưa, thưa ông?

+ Đến thời điểm hiện tại thì Thủ tướng CP chưa trình nhân sự thay thế đồng chí Vũ Đức Đam. Còn đối với đồng chí Phạm Bình Minh thì có thể kiêm nhiệm bộ trưởng Bộ Ngoại giao và phó thủ tướng CP, vì Thủ tướng không đề nghị phê chuẩn chức vụ bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Điều này cũng giống như trước đây Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Quyết tâm thông qua Hiến pháp

. Dự thảo Hiến pháp sau khi lấy ý kiến nhân dân thì nội dung thay đổi cơ bản nhất mà dự thảo trình ra lần này là gì?

+ Lần này QH sẽ quyết tâm thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Bởi chúng ta đã họp nhiều cuộc, tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân. Bây giờ chỉ còn băn khoăn về vấn đề chính quyền địa phương, chính quyền đô thị. Do đó, dự thảo cũng đề ra hai phương án để QH thảo luận. Trong đó: Phương án thứ nhất là không đưa vào Hiến pháp mà để sau này quy định trong luật; phương án thứ hai, quy định rõ hơn mô hình chính quyền đô thị, chính quyền địa phương vào trong dự thảo. Tuy nhiên, qua thảo luận thì đa số các đại biểu QH chuyên trách đề nghị thực hiện theo phương án 1.

Riêng về dự án Luật Đất đai sửa đổi, dự thảo thống nhất quy định cả việc thu hồi đất cho các dự án phục vụ kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, cũng có băn khoăn là quy định như thế sẽ rộng quá. Do đó, khi thảo luận về Dự thảo Hiến pháp và Luật Đất đai sửa đổi sẽ song trùng luôn về vấn đề trên để bổ trợ cho nhau.

Hai nhân sự được giới thiệu làm phó thủ tướng

Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng CP VŨ ĐỨC ĐAM

Sinh ngày: 3-2-1963. Quê quán: Hải Dương. Học vị: Tiến sĩ. Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng khóa X, Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XI.

Trong quá trình công tác, ông Đam đã trải qua nhiều chức vụ như vụ trưởng, thư ký Thủ tướng CP (1996-1998); trợ lý cố vấn BCH Trung ương Đảng, nguyên Thủ tướng CP Võ Văn Kiệt (1998-2003); thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (2005-2007); chủ tịch UBND tỉnh, bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (2008-2010)... Tại kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII, ông được QH phê chuẩn làm bộ trưởng-chủ nhiệm Văn phòng CP.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao PHẠM BÌNH MINH

Sinh ngày: 26-3-1959. Quê quán: Nam Định.

Ông Minh đã từng đảm nhận qua nhiều chức vụ trong ngành ngoại giao như: Cán bộ Vụ Đào tạo, Bộ Ngoại giao; phó vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao; công sứ, phó đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Từ 1-2009 đến nay: Ủy viên Trung ương Đảng, thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; tại Đại hội Đảng lần thứ XI, ông được bầu vào BCH Trung ương Đảng; đại biểu QH khóa XIII. Tại kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII, ông được QH phê chuẩn làm bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm