Bộ GD&ĐT vừa thông tin về số việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, công tác chuẩn bị năm học mới 2024-2025.
Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 theo hướng mở
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Số lượng môn thi và định dạng cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT có sự thay đổi lớn theo hướng đánh giá năng lực.
Do đó, công tác chuẩn bị cho kỳ thi cần được triển khai từ sớm, từ xa, cần thời gian thử nghiệm và tập huấn kỹ; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả hơn nữa trong nhiều khâu của kỳ thi.
Bộ GD&ĐT đã công bố phương án thi từ năm 2025, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để triển khai; xây dựng, công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ để các Sở GD&ĐT, các cơ cở giáo dục tổ chức dạy, học, ôn tập cho học sinh; thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT.
Thư viện/ngân hàng câu hỏi thi có tính mở cũng đã được Bộ GD&ĐT xây dựng. Các câu hỏi nguồn được đóng góp từ mọi nguồn lực trong ngành, tạo ra thư viện mở. Từ thư viện mở này, Bộ GD&ĐT mời các chuyên gia lựa chọn để tạo đề thi tốt nghiệp THPT. Đề thi tốt nghiệp THPT sẽ được thử nghiệm trên diện rộng tại các địa phương. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã chủ động rà soát các hệ thống phần mềm để phục vụ cho công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để các địa phương chủ động triển khai. Trong đó, sớm ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025; sớm công bố đề thi minh họa để các địa phương, giáo viên và học sinh chuẩn bị ôn tập cho kỳ thi.
Công tác chuẩn bị năm học 2024-2025
Bộ GD&ĐT đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Đặc biệt, năm học 2024-2025, lần đầu tiên khung kế hoạch thời gian năm học dự kiến thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để các địa phương, trường học chủ động hoạt động dạy và học cũng như các kế hoạch khác.
Cùng với khung kế hoạch thời gian năm học, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành các hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên năm học 2024-2025.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Chỉ thị năm học 2024-2025 và sẽ sớm ban hành; trong đó xác định chủ đề năm học, những nhiệm vụ trọng tâm toàn ngành sẽ triển khai trong năm học 2024-2025.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến hết năm học 2023-2024, tổng số giáo viên cả nước là 1.251.377 giáo viên. So với năm học 2022-2023, số lượng giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông tăng thêm 17.253 giáo viên.
Năm học 2023-2024, cả nước đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên. Tuy nhiên, học sinh không ngừng tăng dẫn đến số lớp tăng, số giáo viên còn thiếu vẫn còn nhiều.
Đối với năm học 2024-2025, số học sinh tiếp tục tăng dẫn đến số lớp tăng (mầm non tăng 2.327 nhóm lớp, phổ thông tăng 7.150 lớp), khiến tình trạng thiếu giáo viên tiếp tục diễn ra.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT và các địa phương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp về hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, tôn vinh nhà giáo; tăng cường tuyển dụng số lượng biên chế giáo viên đã được cấp; thực hiện phân cấp quản lý một cách hợp lý.
Đối với học phí từ năm học 2023-2024 và tiếp đến là năm học 2024-2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2023 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021). Trong đó quy định:
Tiếp tục giữ ổn định học phí của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2023-2024 bằng học phí năm học 2021-2022;
Đối với học phí của cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục đại học công lập, mức học phí các trường thực hiện theo mức trần học phí năm học 2023-2024 quy định tại Nghị định số 97/2023 (lùi lộ trình học phí 01 năm so với quy định tại Nghị định số 81/2021); tương tự mức trần học phí năm học 2024-2025 có điều chỉnh tăng so với mức trần học phí năm học 2023-2024 do lộ trình học phí đã lùi lại quá dài, các cơ sở giáo dục đại học đang gặp nhiều khó khăn trong cân đối thu-chi.