Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị đặt tên đường, phố trên địa bàn TP Hà Nội mang tên ông Tô Quang Đẩu, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH cho biết gia đình ông Tô Quang Đẩu mong muốn có một tên đường, phố mới ở Hà Nội mang tên ông. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét đưa tên ông Tô Quang Đẩu vào danh mục đặt tên cho các tên đường, phố của thủ đô.
Ông Tô Quang Đẩu, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Ảnh: Internet
Liên quan đến vấn đề này, UBND TP Hà Nội cho biết đã giao cho Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất theo quy định.
Theo bản đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, ông Tô Quang Đẩu (sinh năm 1906), tức Tô Điển, là nhà hoạt động cách mạng. Từ tháng 9-1939 đến tháng 3-1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ông bị mật thám bắt và đưa xuống Hải Phòng, tòa án Hải Phòng xử 6 tháng tù về tội tuyên truyền sách báo cách mạng.
Hết hạn tù, đang chờ Thành ủy phân công công tác ông lại bị bắt và bị kết án tù 5 năm, đày đi nhà tù Sơn La. Trải qua các nhà tù ở Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình và Sơn La, ông vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.
Văn bản đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH.
Hết hạn tù Sơn La, vừa trở về Hà Nội hoạt động, ông lại bị bắt vào nhà tù Hỏa Lò. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), ở Hỏa Lò ra ông là cán bộ Xứ ủy An toàn khu ở làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông. Sau đó ông làm chánh Văn phòng Xứ ủy.
Ông cũng nguyên là chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Kiến An, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Yên, phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính liên khu 10, thứ trưởng kiêm bí thư Đảng đoàn Bộ Nội vụ (nay là Bộ LĐ-TB&XH) từ năm 1957-1975. Năm 1959, ông kiêm chức hiệu trưởng Trường Hành chính Trung ương. Ông mất ngày 25-11-1990 tại Hà Nội, hưởng thọ 84 tuổi.
Với những công lao đóng góp cho cách mạng, ông được Nhà nước tặng huân chương Độc lập hạng Nhất, huân chương Kháng chiến hạng Nhất và huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Năm 1991, ông được truy tặng huân chương Hồ Chí Minh.
Tiêu chuẩn để được đặt tên đường Theo Quyết định số 207/2006 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn TP Hà Nội, quy định người được đặt tên đường là những danh nhân tiêu biểu trong những người nổi tiếng, có đức, có tài, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc và thành phố, hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, được nhân dân suy tôn và thừa nhận. Theo quyết định trên, UBND TP có trách nhiệm thành lập hội đồng tư vấn về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng... Thành viên của hội đồng tư vấn bao gồm các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cơ quan chuyên môn, Hội Khoa học lịch sử, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật và các đoàn thể khác. Hội đồng tư vấn do Sở Văn hóa thông tin làm cơ quan thường trực, tổ thư ký gồm thành viên của các cơ quan có liên quan. Quy định này cũng ghi rõ: Quy trình đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trải qua tám bước. Trong đó, một trong những bước cuối cùng là phải được HĐND TP ra nghị quyết. |