Đơn vị này lý giải, việc điều chỉnh trên nhằm thống nhất tên gọi phù hợp, đơn giản, dễ hiểu, được người dân, doanh nghiệp đồng tình chấp thuận.
Theo đó, các dự án đường sẽ được gọi tên là trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Km (lý trình), Quốc lộ (tên Quốc lộ). Dự án cầu gọi là trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cầu (tên cầu), Km (lý trình), Quốc lộ (tên Quốc lộ). Dự án hầm là trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hầm (tên hầm), Km (lý trình), Quốc lộ (tên Quốc lộ).
Sau một thời gian đổi tên thành "trạm thu giá" và gặp sự phản ứng của người dân nên các trạm này trở về tên cũ. Ảnh: VIẾT LONG
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tên gọi trên đã được sử dụng từ khi có cơ chế thu phí sử dụng đường bộ, phù hợp với quy định tại Điều 51 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Trạm thu phí là nơi thực hiện việc thu phí phương tiện tham gia giao thông đường bộ, được xây dựng theo quy hoạch hoặc dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt). Đồng thời, phù hợp với thói quen của người tham gia giao thông, được xã hội chấp nhận. Tên gọi “trạm thu phí” ở đây được hiểu là nơi thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh được điều hành theo Luật Giá.
Trước đó, ngày 4-6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đăng đàn trả lời chất vấn các vấn đề nóng về BOT.
Ông Thể cũng cho biết đang cùng với nhiều bộ, ngành rà soát và trình Chính phủ đổi tên “trạm thu giá BOT” với một tên mới nhưng phù hợp với quy định pháp luật. Người đứng đầu ngành giao thông cũng cám ơn dư luận xã hội, đại biểu Quốc hội quan tâm và khẳng định trong thời gian sớm nhất sẽ báo cáo Chính phủ phù hợp với thực tiễn.
Về phát biểu của ngành giao thông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Bộ GTVT không cần báo cáo Chính phủ mà Bộ tự quyết được bằng cách quay lại tên gọi “trạm thu phí BOT”.