Chiều 10-12, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM do Phó Trưởng đoàn Văn Thị Bạch Tuyết dẫn đầu, đã có buổi làm việc với UBND quận 3 về việc thực hiện các nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Trụ sở làm việc nhỏ, chưa đáp ứng
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Võ Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Nội vụ quận 3, cho biết theo Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ QH về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, quận 3 sẽ sắp xếp các phường 6, 7, 8 thành đơn vị hành chính mới lấy tên là phường Võ Thị Sáu.
Theo bà Tâm, hiện phường Võ Thị Sáu có diện tích 2,2 km2 (chiếm 45% diện tích toàn quận) với 36.735 người, gồm 13 khu phố và 206 tổ dân phố.
Trưởng phòng Nội vụ quận 3 báo cáo với các ĐBQH về tiến độ sáp nhập ba phường thành phường Võ Thị Sáu. Ảnh: NGUYỄN YÊN
Bà Tâm cho hay, việc sáp nhập phường trên cơ sở nhập cơ học số lượng cán bộ, công chức, người lao động không chuyên trách của ba phường cũ khiến bộ máy có lượng nhân sự đông. Cộng với việc người dân đến liên hệ giải quyết hồ sơ hành chính và chế độ chính sách tăng cao trong khi trụ sở làm việc nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Đăng Nam, Chủ tịch UBND phường Võ Thị Sáu, cho biết việc sáp nhập ba phường thành một trong khi vẫn sử dụng trụ sở phường 6 cũ khiến cơ sở vật chất không tương ứng, không đảm bảo.
“Người dân tới đông, tập trung lại trong khi trụ sở nhỏ, việc giải quyết khối lượng công việc nhiều đã gây áp lực cho cán bộ”- ông Nam phân tích.
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu ghi nhận các kiến nghị của quận về xây dựng trụ sở UBND phường Võ Thị Sáu. Ảnh: NGUYỄN YÊN
Hơn nữa trụ sở UBND phường 6 cũ đã xuống cấp, một số hạng mục đã hư hỏng. Chủ tịch UBND quận 3 cũng đã cho phép thực hiện phương án sửa chữa tạm trụ sở, bố trí phòng làm việc và bộ phận giải quyết hồ sơ hành chính với kinh phí khoảng 452 triệu đồng.
UBND quận cũng thống nhất thực hiện lại dự án đầu tư xây dựng trụ sở UBND phường Võ Thị Sáu tại số 18 Võ Văn Tần, bãi bỏ dự án xây dựng trụ sở UBND phường 6 cũ.
Nhiều cán bộ có tâm lý lo lắng khi sáp nhập
Theo bà Võ Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Nội vụ quận 3, việc sáp nhập phường khiến số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách có tâm lý chưa ổn định. "Bởi sau khi sáp nhập sẽ phải luân chuyển qua các đơn vị khác hoặc nghỉ việc, lo lắng cho bản thân không phù hợp với môi trường làm việc mới”- bà Tâm nêu một số khó khăn gặp phải trong quá trình sáp nhập.
Chủ tịch UBND phường Võ Thị Sáu Phạm Đăng Nam đề xuất việc cần có phương án tinh giản biên chế ở phường và bố trí công việc khác.
“Đối với người lao động không chuyên trách thì sắp xếp công việc hoặc có thể chuyển làm việc ở các phường khác. Trường hợp không đảm bảo chuyên môn thì nghỉ việc cũng gây tác động tâm tư của cán bộ”- ông Nam nói và yêu cầu phương án đảm bảo cho lực lượng cán bộ tại phường.
Phát biểu kết luận, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận những cố gắng của quận 3 trong việc khắc phục khó khăn, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
“Chúng tôi cũng ghi nhận các kiến nghị của quận đã được nêu trong văn bản và ý kiến phát biểu của Chủ tịch UBND quận trong buổi làm việc liên quan đến xây dựng trụ sở phường Võ Thị Sáu mới để đảm bảo diện tích làm việc trong thời gian sắp tới; cũng như kiến nghị về việc có thêm một Phó Bí thư xây dựng Đảng, thêm một Phó Chủ tịch UBND phường để giải quyết hồ sơ của người dân kịp thời” - bà Tuyết nói và cho biết đặc biệt quan tâm đến tiêu chí phân loại đơn vị hành chính ở đô thị đặc biệt TP.HCM.
Cả phường 36.000 dân nhưng chỉ có chín nhân viên y tế Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND phường Võ Thị Sáu Phạm Đăng Nam, cho biết phường có địa bàn rộng, là khu vực trọng điểm về an ninh chính trị. “Phường hiện có sáu lãnh sự quán và 29 cơ sở tôn giáo lớn. Chính vì vậy, sức ép về đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hôi, đảm bảo bình yên là rất lớn đối với lực lượng công an. Trong khi đó, Công an phường sau khi nhập chỉ có 46 cán bộ chiến sĩ quản 206 tổ dân phố. Do đó, cần phải nhập lại để gọn hơn. Ví dụ nói tổ 35 thì không biết tổ nào vì phường 6 cũ hay phường 7 cũ đều có tổ dân phố 35”- ông Nam phân tích. Với lực lượng nhân viên y tế, ông Nam cho biết việc sáp nhập ba phường làm tăng dân số nhưng toàn phường chỉ có chín nhân viên y tế, trong đó một bác sĩ trưởng trạm cũng vừa điều trị khỏi COVID-19. Mặc dù phường Võ Thị Sáu khống chế dịch ở mức độ 2, về tiêm chủng, chăm sóc, quản lý F0 trên địa bàn đều được đảm bảo. “Tuy nhiên, với số dân lên 36.000 người mà chỉ có chín nhân viên y tế thì đó là một gánh nặng”- ông Nam nói. |