Sáng 9-12, Trường ĐH Luật TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Mô hình chính quyền TP thuộc TP, triển vọng và thách thức đối với TP.HCM”.
Nhiều ý kiến về mô hình TP thuộc TP, cụ thể là việc thành lập TP Thủ Đức trực thuộc TP.HCM được luận bàn sôi nổi.
Theo bà Phan Thị Bình Thuận, nếu UBTV Quốc hội xem xét thông qua việc thành lập TP Thủ Đức thì đây là TP thuộc TP đầu tiên ở nước ta. Ảnh: LÊ THOA
Tăng phân cấp và uỷ quyền cho TP Thủ Đức
Bà Phan Thị Bình Thuận, đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhìn nhận, nếu như chiều nay (9-12), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua việc thành lập TP Thủ Đức, thì đây chính là TP thuộc TP đầu tiên ở nước ta.
Nói về mô hình này, bà cho rằng bất kì vấn đề nào mới cũng sẽ có những thách thức, băn khoăn đặt ra.
Theo bà Thuận, đề án thành lập đề án TP Thủ Đức có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý.
Về cơ sở thực tiễn, thời điểm tách huyện Thủ Đức ra làm ba quận là trong bối cảnh có yêu cầu phát triển đô thị hoá. Hiện nay, cơ sở hạ tầng của ba quận đã đạt được những kết quả cơ bản. Trong đó quận Thủ Đức có Đại học Quốc gia, quận 9 có Khu công nghệ cao, quận 2 có Khu đô thị mới Thủ Thiêm và sắp tới sẽ xây dựng Trung tâm tài chính.
Từ đó, định hướng phát triển của TP Thủ Đức sẽ tiến tới xây dựng nền kinh tế tri thức, sáng tạo, thúc đẩy kinh tế TP.
Bà Thuận cho là khi thành lập TP Thủ Đức sẽ đảm bảo tính liên kết, liên thông trong nội bộ TP cũng như các vùng; giảm sự cắt khúc, giảm cấp trung gian, công tác quản lý điều hành được thông suốt.
Bà Thuận cũng cho biết sau khi đề án thông qua thì Chính phủ sẽ có Nghị định quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ của TP này.
“TP căn cứ theo Luật tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết 54 sẽ tăng phân cấp và uỷ quyền cho TP Thủ Đức, tăng chức năng nhiệm vụ quyền hạn cho TP khi được thành lập” – bà nói.
Bà cũng đưa ra góc nhìn là khi thành lập TP Thủ Đức, phải giải quyết được những tồn tại, vấn đề khiếu nại, khiếu kiện về đất đai ở KCN cao, Thủ Thiêm.
TP Thủ Đức có tạo ra được hợp lực cộng hưởng?
Tại hội thảo, ông Diệp Văn Sơn, Chuyên viên cao cấp, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Nội vụ đưa ra góc nhìn: TP.HCM cần một cú hích mới để quay lại nhịp điệu tăng trưởng cao. Đề án TP phía Đông có thể xem là một ý tưởng đầy hứa hẹn.
Ông Diệp Văn Sơn, Chuyên viên cao cấp, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: LÊ THOA
Tuy vậy, ông cũng đưa ra những thách thức cần nhận diện để có những giải pháp đồng bộ tháo gỡ.
Ông nói: Để tạo ra một hợp lực cộng hưởng, cần một bộ máy quản lý hành chính nhà nước thống nhất, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực nổi trội của ba đơn vị cấu thành là quận 2, quận 9, quận Thủ Đức dựa trên vị trí địa lý đặc biệt.
Mặt khác, quy hoạch TP Thủ Đức cần được gắn trong quy hoạch chung của TP.HCM cũng như quy hoạch vùng để tạo động lực tăng trưởng, hỗ trợ, tránh trùng lặp định hướng phát triển giữa các vùng, các khu vực và tránh tạo ra cạnh tranh nội vùng không cần thiết, dễ làm phân tán nguồn lực.
Theo ông, TP Thủ Đức được đặt mục tiêu là Khu đô thị Sáng tạo với những khu vực địa lý, trong đó bao gồm các trường, viện hàng đầu cùng với các doanh nghiệp kết nối với các khởi nghiệp, các vườn ươm và tăng tốc khởi nghiệp. Những Khu đô thị này có quy mô nhỏ, giao thông thuận tiện với cơ sở hạ tầng kết nối hiện đại cung cấp không gian văn phòng, nhà ở lẫn mua sắm. Đô thị sáng tạo là trọng tâm của các chiều kích tăng trưởng. Đây là nơi hội tụ các ngành nghề khác nhau, hướng tới mục tiêu hợp tác đa ngành.
Chính vì vậy, phải trả lời cho được câu hỏi: TP Thủ Đức có tạo ra một hợp lực cộng hưởng thay vì tạo ra ngẫu lực?
Ông cũng đặt vấn đề, UBND TP Thủ Đức phải có bộ phận tham mưu phòng ban giúp việc có năng lực, trình độ mới có thể hoàn thành Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C như trong Nghị quyết chính quyền đô thị TP.HCM mà Quốc hội đã thông qua.
“Thực hiện đầy đủ những nội dung trên phải có một đội ngũ công chức giúp việc xứng tầm thạo việc”, ông nói.
Từ đó, ông đưa ra gợi ý nên chăng thành lập 8 Ban quản lý 8 trung tâm quan trọng của TP Thủ Đức. Trước mắt bắt đầu với 3 Ban quản lý cho 3 trục chủ lực về công nghệ cao, nguồn nhân lực và trung tâm tài chính. Từ đây sẽ hình thành một tam giác phát triển rất quan trọng.
Theo ông, các Ban quản lý này lo các công việc chuyên môn, chuyên ngành của mình, giữa các Ban quản lý có một cơ chế phối hợp linh hoạt được giám sát bởi chính quyền TP Thủ Đức.
Việc phân quyền chính quyền TP.HCM cho TP Thủ Đức đô thị trực thuộc, tăng thẩm quyền, trách nhiệm cho chính quyền TP Thủ Đức, đặc biệt là các nhiệm vụ, thẩm quyền liên quan đến quản lý tài chính- ngân sách, quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển , quản lý kiến trúc xây dựng, đất đai, kết cấu hạ tầng đô thị, bảo vệ môi trường, tổ chức bộ máy, nhân sự… để đảm bảo được quyền chủ động của chính quyền TP trong việc quyết định các vấn đề của mình trong phạm vi pháp luật.
Ông cũng nêu ra những thách thức khác của việc thành lập TP Thủ Đức như: giải tỏa đền bù giá cao khi xây dựng cơ sở hạ tầng, thổi giá bất động sản; tốn nhiều nguồn lực để có được hệ thống giao thông công cộng thông minh.
“Điều tiên quyết trong lúc này là cần có một cơ chế quản lý mới để phù hợp mô hình TP thuộc TP”, ông nói.
Theo ông, cần xây dựng một không gian đô thị đủ sức hút đối với những người tài không chỉ ở trong nước; cần chỉnh trang đô thị hiện hữu để giảm kẹt xe, ngập nước, tạo cơ hội việc làm cho người dân. Đồng thời, cần chuẩn bị nguồn lực tài chính để đảm bảo đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, kinh tế xã hội…
Ông cũng đề xuất cần có lộ trình rõ ràng và chi tiết cho việc tái cấu trúc không gian vật lý, không gian kinh tế- xã hội, hành chính- quản trị và không gian quy hoạch- kiến trúc.
“Việc tái cấu trúc toàn diện để đáp ứng yêu cầu của một TP mới là một thách thức không chỉ về tài chính, quỹ đất mà còn có cả việc tích hợp, dịch chuyển”, chuyên viên cao cấp, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Nội vụ Diệp Văn Sơn nhận định.
Phải dự liệu tổ chức hệ thống chính trị PGS.TS Vũ Văn Nhiêm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Luật TP.HCM nêu quan điểm là ủng hộ việc thành lập TP Thủ Đức cũng như mô hình chính quyền TP thuộc TP. Ông cho là mô hình TP trong TP không phải là bước đột phá về mặt tư tưởng mà đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. “TP.HCM là thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên thực hiện mô hình này. Nói cách khác, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước hiện thực hóa mô hình TP thuộc TP trực thuộc Trung ương vào thực tiễn” - PGS.TS Vũ Văn Nhiêm nhận định. Ông cũng nêu ý kiến: TP Thủ Đức được thành lập chỉ tương đương đơn vị cấp quận, huyện. Như vậy, khối lượng công việc của chính quyền TP này, nhất là của UBND có thể tăng gấp 3 lần trong khi bộ máy, số lượng công chức, viên chức vẫn theo khung và nằm trong biên độ của chính quyền cấp huyện. Từ đó, ông cho rằng phải dự liệu tổ chức được hệ thống chính trị, công việc sao cho chặt chẽ; nhất là với khối lượng công việc của khối UBND. |