Đề xuất tăng vượt thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán

Ngày 9-9, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH khai mạc phiên họp thứ 37 để cho ý kiến về các nội dung trình QH tại kỳ họp thứ 8 và tiến hành giám sát chuyên đề, xem xét, quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của UBTVQH.

Đáng chú ý, các đại biểu đã bàn thảo, cho ý kiến về dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Đại diện chủ sở hữu nhà nước

Ủy ban Kinh tế đã đề nghị bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cho Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCK).

Trình bày ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết tại phiên họp trước, UBTVQH đã kết luận giữ nguyên quy định UBCK trực thuộc Bộ Tài chính nhưng nghiên cứu tăng thẩm quyền cho ủy ban này.

Trong dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Bởi hai đơn vị trên là những doanh nghiệp rất đặc thù, là nơi duy nhất tổ chức thị trường giao dịch, tổ chức các hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán cho toàn bộ thị trường của Việt Nam.

“Quy định này cũng không trái với quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành” - ông Thanh nói và cho hay có nhiều mô hình thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Bộ Tài chính, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định sau khi có ý kiến đồng ý của bộ trưởng Bộ Tài chính, chủ tịch UBCK nhà nước ban hành, sửa đổi, bổ sung điều lệ của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Sau khi có ý kiến đồng ý của bộ trưởng Bộ Tài chính, chủ tịch UBCK nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên hoặc chủ tịch và thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát (kiểm soát viên) của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam…

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH. Ảnh: TRỌNG ĐỨC/TTXVN

Vượt quy định hiện hành

Thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng việc giao UBCK thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước là vấn đề lớn, cần thảo luận kỹ và bà hỏi quan điểm của Chính phủ về vấn đề này.

Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết dự thảo luật đã có sự điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ và tăng thẩm quyền cho UBCK. Tuy nhiên, nhiều đề xuất trái với quy định hiện hành.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước cho UBCK là chưa phù hợp, thêm tầng nấc. Việc trao cho chủ tịch UBCK quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch, thành viên hội đồng thành viên… như đề xuất cũng phải cân nhắc vì vốn thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ.

“Mặc dù UBTVQH đề nghị xem xét tăng thẩm quyền cho UBCK nhưng hai thẩm quyền trên không nên đặt ra” - ông Hiển nêu rõ.

Đề xuất lập quỹ phòng, chống thiên tai ở trung ương

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Bộ NN&PTNT (cơ quan soạn thảo) đề nghị bổ sung quỹ phòng, chống thiên tai ở trung ương để tiếp nhận nguồn hỗ trợ nhân đạo từ quốc tế (không bao gồm nguồn vốn viện trợ), đóng góp tự nguyện ngoài ngân sách.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của QH đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ nguồn thu, cơ chế sử dụng để không trùng lặp, chồng chéo với nguồn tài trợ, việc điều chuyển giữa quỹ trung ương và quỹ địa phương..

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhận xét luật đề nghị có quỹ ở trung ương, tức là thêm tổ chức bộ máy nhưng không rõ nguồn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn khi thời gian qua có tám địa phương chưa sử dụng quỹ và đề nghị phải làm rõ lý do vì sao chưa chi, có phải là có địa phương không chi nên mới phải thành lập quỹ trung ương không.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay quỹ ở trung ương chủ yếu để vận động nguồn lực bên ngoài và chi tiêu có nguyên tắc và sẽ không phát sinh bộ máy. “Sở dĩ phải đề nghị thành lập quỹ ở trung ương là vì mấy năm qua khi có thiên tai, một số tổ chức quốc tế ủng hộ lên đến hơn chục triệu USD nhưng chi tiêu, phân bổ rất khó” - ông nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm