Đề xuất thu phí du khách, giám đốc sở bị phê bình

Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM ngày 12-10, trả lời về đề xuất của Sở Du lịch TP thu tiền khách du lịch qua đêm, một lãnh đạo TP khẳng định UBND TP không chỉ đạo và không đồng ý chủ trương này.

Trước đó, Sở Du lịch TP đề xuất UBND TP cho cơ chế thu mỗi khách qua đêm tại TP 23.000 đồng/đêm, tương đương 1 USD/đêm, để tạo quỹ phát triển du lịch nhằm phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Không nên vun vén riêng

Sở Du lịch cho rằng theo Luật Du lịch 2017 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018), Điều 70 về thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch quy định quỹ được hình thành từ các nguồn như vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp; ngân sách nhà nước bổ sung hằng năm một phần trích từ nguồn thu phí tham quan, phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh…

Sở Du lịch cho biết hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào liên quan quy định mức thu cụ thể. Do đó, Sở đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ chế giao cho HĐND TP.HCM nghiên cứu, thẩm định và thông qua mức phí này để làm quỹ phát triển du lịch riêng cho TP.

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet, cho rằng quỹ hỗ trợ phát triển du lịch quốc gia đã được nêu trong Luật Du lịch 2017, do Thủ tướng ký quyết định thành lập. Khi đã quy định trong luật do Thủ tướng quyết định, quỹ là nguồn thu của quốc gia thì ở cấp tỉnh, TP không nên có.

Cũng theo ông Đạt, đề xuất của Sở Du lịch thu phí khách 1 USD/đêm là chưa hợp lý. Thứ nhất, khách du lịch có thể đến TP.HCM nhưng sau đó đi Vĩnh Long, Tiền Giang cả ngày, đến tối mới về nghỉ ngơi. Trong khi du khách sử dụng tài nguyên du lịch ở các địa phương đó thì họ không thu. Thứ hai, du khách đến TP.HCM không chỉ mục đích du lịch mà các mục đích khác nên khó thực thi. “TP.HCM không nên lấy lợi thế của mình mà vun vén riêng. Quỹ này chi tiêu cho nhiều việc khác nhau nên phải mang tầm quốc gia, khi đi xúc tiến, quảng bá du lịch thì phải ở quy mô quốc gia chứ không riêng gì cho TP” - ông Đạt nhấn mạnh.

Du khách nước ngoài tham quan TP.HCM. Ảnh: HTD

Cũng quanh đề xuất này, một số chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đặt vấn đề tại sao khách sạn (KS) phải nộp khoản phí này, để làm gi? Nếu thu dùng cho việc quảng bá, xúc tiến du lịch thì lấy từ ngân sách vì KS đã thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ rồi. Tại sao chỉ thu KS mà không thu ở các mắt xích liên quan đến du lịch như lữ hành, vận chuyển…?

Cũng theo các chuyên gia, sản phẩm du lịch TP lâu nay chưa hấp dẫn khách ở lại dài ngày. Nếu KS ở TP chịu thêm phí này thì càng khó cạnh tranh với cơ sở lưu trú các tỉnh, thành khác và vô tình đẩy khách “đi chơi chỗ khác”.

Sẽ có 63 quỹ?

Một vấn đề khác được các chuyên gia nêu ra là hiện nay Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ lấy ý kiến các ban, ngành về đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Như vậy, nếu sắp tới các tỉnh, TP cũng lần lượt đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch thì cả nước sẽ có 63 quỹ, lúc đó quỹ hỗ trợ phát triển du lịch quốc gia sẽ thu từ đâu?

UBND TP có công văn khẩn

Chiều 12-10, UBND TP.HCM đã có công văn khẩn gửi giám đốc Sở Du lịch TP liên quan đến đề xuất của sở này về việc cho cơ chế thu tiền mỗi khách qua đêm tại TP. Theo đó, UBND TP.HCM phê bình giám đốc Sở Du lịch TP đã đề xuất những nội dung nhạy cảm, ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Đồng thời, yêu cầu giám đốc Sở Du lịch TP thu hồi ngay Công văn số 190 ngày 1-9 và báo cáo giải trình căn cứ đề xuất, quan điểm của lãnh đạo Sở về những nội dung đề xuất, kinh nghiệm rút ra từ việc tham mưu này và báo cáo UBND TP trước ngày 15-10.

T.LÂM

 

Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia, các địa phương cần đợi văn bản pháp lý dưới luật hướng dẫn của Chính phủ và của Bộ VH-TT&DL để triển khai thì hợp lý hơn và sẽ tránh được sai sót không đáng có. Việc thu phí cho quỹ phát triển du lịch nên tập trung một đầu mối là Chính phủ, có thể ủy quyền cho Bộ Tài chính hoặc Bộ VH-TT&DL thực hiện chứ không nên thêm các nấc dưới như tỉnh, TP hoặc vùng như vùng ĐBSCL, vùng Tây Bắc... Ngoài ra, thu phí cần có lộ trình và không làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp du lịch.

Ông Chính cho biết năm 2015, Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia đã gửi Bộ VH-TT&DL và Tổng cục Du lịch đề xuất việc thu phí cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch quốc gia với các đề xuất cụ thể và có lộ trình. Chẳng hạn KS 1-2 sao mức thu là 5.000 đồng/đêm, ba sao trở lên 10.000 đồng/đêm, 4-5 sao trở lên 15.000 đồng/đêm và theo lộ trình: Giai đoạn 1 đến hết ngày 31-12-2017, giai đoạn 2 từ ngày 1-1-2018 thì mức tăng gấp đôi. Ba nguồn thu là KS, lệ phí visa và đóng góp tự nguyện.

Nhiều quốc gia thu phí lưu trú

Trên thế giới có nhiều nước quy định về việc thu phí qua đêm đối với khách du lịch, hay còn gọi là thuế lưu trú.

Từ tháng 8-2017, Malaysia bắt đầu áp dụng thu thuế lưu trú đối với du khách qua đêm. Mức phí được xác định dựa trên xếp hạng của cơ sở lưu trú mà du khách nghỉ lại. Với những cơ sở lưu trú giá rẻ, du khách sẽ phải trả mức phí cố định là 2,5 ringgit (khoảng 14.000 đồng)/đêm. Trong khi đó, đối với các KS có xếp hạng, mức phí khách phải trả 5-20 ringgit (27.000-108.000 đồng)/đêm. Đặc biệt, thuế lưu trú được áp dụng cho tất cả khách du lịch, cả khách nước ngoài lẫn công dân Malaysia đi du lịch hay công tác. Số tiền này sẽ được dùng để phát triển ngành du lịch, cũng như để bảo vệ và bảo tồn môi trường, văn hóa và di sản của Malaysia.

Tại Nhật Bản, mức phí lưu trú mỗi đêm được tính theo giá phòng mà du khách sẽ nghỉ lại. Đối với phòng có giá thuê 10.000-15.000 yen/đêm, du khách phải trả thuế 100 yen (khoảng 20.000 đồng) trong khi với phòng từ 15.000 yen/đêm trở lên, khách sẽ phải trả 200 yen, còn phòng 20.000 yen/đêm trở lên thì mức phí là 300 yen.

Rất nhiều quốc gia khác ở châu Âu như Áo, Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ… cũng đều thu thuế lưu trú của du khách. Tùy vào xếp hạng của KS và tùy quốc gia mà sẽ có mức phí lưu trú khác nhau, thông thường mức phí này dao động 0,15-7 euro (4.000-200.000 đồng)/đêm. Đa số quốc gia đều không thu phí lưu trú đối với khách dưới 15 tuổi hoặc dưới 18 tuổi.

AN MIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm