Thời gian qua, tại một số địa phương trên cả nước đã diễn ra các cuộc đấu giá đất mà điểm nổi bật là giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Đáng nói, sau những vụ đấu giá này thì nhiều người mua trúng đấu giá lại bỏ cọc.
Người trong xã không mua thì người ngoài xã mới được mua
Hiện nay, khi thực hiện quy định đấu giá công khai các lô đất ở đã xảy ra tình trạng nhiều người trúng đấu giá không phải là người dân tại xã đó mà là người từ địa phương khác đến mua.
Những người này tham gia đấu giá đất nhưng không có nhu cầu ở thực mà chỉ nhằm mua đi bán lại kiếm lời. Trong số đó, không ít người là giới “đầu nậu”, cò đất muốn thổi giá, gây ra các cơn sốt ảo giá đất tại địa phương.
Các địa phương cần tăng cường quản lý hoạt động phân lô,bánnền tràn lan. Ảnh: MINH LONG |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết Điều 118 Luật Đất đai 2013 nêu rõ không đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở tại nông thôn mà thực hiện giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại xã không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở để giải quyết nhu cầu có đất làm nhà cho các hộ nghèo. Ngoài ra, đối với các trường hợp giao đất ở khác thì phải thực hiện đấu giá QSDĐ khi giao đất ở tại đô thị, nông thôn cho hộ gia đình, cá nhân.
Vì vậy, trong văn bản mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT để kiến nghị sửa đổi một số quy định của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013, HoREA đề xuất bổ sung quy định đối tượng tham gia đấu giá các lô đất ở phải là người trong xã đó, nếu người dân trong xã không tham gia thì mới cho phép người ngoài xã tham gia đấu giá đất.
Bên cạnh đó, chủ tịch HoREA cho biết hiện nay các địa phương cho phép tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở nằm xen kẽ với đất ở, hoặc là thửa đất độc lập nằm xen kẽ trong đất đô thị hoặc trong điểm dân cư nông thôn.
Thế nhưng, do công tác quản lý nhà nước chưa thật chặt chẽ (nhất là ở cấp cơ sở) nên dẫn đến tình trạng người dân lợi dụng để kinh doanh bất động sản trái phép, phân lô, bán nền tràn lan, phá vỡ quy hoạch.
Vì vậy, hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 43d Nghị định 43/2014 về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa. Theo đó, trường hợp có phần diện tích đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải là đất ở nằm xen kẽ trong cùng thửa đất ở, hoặc xen kẽ trong đất đô thị, điểm dân cư nông thôn thì xem xét từng trường hợp cụ thể việc chuyển mục đích sử dụng đất toàn bộ hoặc một phần thửa đất sang đất ở.
“HoREA cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 75a Nghị định 43 quy định UBND cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất ở, điều kiện hợp thửa đất ở tại nông thôn, đô thị và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở tại nông thôn hoặc đất ở tại đô thị” - ông Châu nói.
Tăng tiền cọc, chế tài chậm đưa đất vào sử dụng
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, đồng tình với đề xuất siết đối tượng tham gia đấu giá đất tại các địa phương. Theo luật sư Phượng, việc siết đối tượng đấu giá hay giải pháp nào cũng phải nhắm đúng đối tượng là “đánh” vào nhóm đầu cơ, trục lợi. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế vẫn sẽ có trường hợp lách luật như nhờ dân địa phương đứng tên đấu giá.
TS Lê Bá Chí Nhân - chuyên gia kinh tế thì cho rằng phương án đấu giá đất phải quy định rõ điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá như năng lực tài chính, ký quỹ, nguồn vốn của chủ đầu tư, thời gian đưa đất vào sử dụng theo đúng tiến độ nếu trúng đấu giá…
Sau đó, các địa phương cần làm tốt công tác xác định giá khởi điểm, bảo đảm giá khởi điểm phù hợp với giá thị trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác đấu giá QSDĐ trên địa bàn, bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, không để xảy ra tình trạng thông đồng, móc ngoặc trong các cuộc đấu giá.
“Trường hợp cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá đất tự ý hủy kết quả trúng đấu giá, ngoài tiền cọc, người tham gia phải nộp 50% giá trị QSDĐ trúng đấu giá nhằm bịt những lỗ hổng trong hoạt động đấu giá hiện nay” - ông Nhân góp ý.
Ngoài ra, ông Nhân đề xuất giải pháp tăng tiền đặt cọc, tăng chế tài xử lý các trường hợp bỏ cọc và chậm đưa đất vào sử dụng.
Hà Nội ra quy định người tham gia đấu giá đất phải nộp trước 20% giá khởi điểm
UBND TP Hà Nội mới đây đã ban hành Quyết định 24/2022 quy định về đấu giá QSDĐ để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn TP. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 13-6-2022.
Theo đó, về điều kiện tham gia đấu giá QSDĐ, quyết định này bổ sung yêu cầu người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước bằng 20% so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá.
Các chuyên gia cho rằng thời gian qua, việc bỏ cọc sau khi trúng đấu giá ở các tỉnh, thành xảy ra rất nhiều. Những người tham gia phần lớn đều với mục đích lướt sóng, thiếu tiềm lực tài chính và dự đoán thị trường không tốt, bỏ mức cao hơn rất nhiều so với giá trị thực tế, đến khi mang sản phẩm đi bán thì không bán được. Chính vì thế, việc UBND TP Hà Nội quy định mức đặt cọc cao sẽ giúp hạn chế được tình trạng lướt sóng đấu giá.