Đầu năm 2015, UBND TP.HCM chỉ đạo trong năm phải dẹp xong nạn xe “dù”, bến “cóc”. Sáng 26-5, Ban An toàn giao thông TP.HCM và báo Giao Thông tổ chức hội thảo để bàn giải pháp chống xe “dù”, bến “cóc” ở TP.HCM.
Bung mạnh và công khai
Trên bảng điều độ của nhiều doanh nghiệp chạy xe từ Bến xe Miền Đông, nhiều năm qua cột điều độ xe đi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên… trắng bóc. “Xe chạy trên các tuyến này chủ yếu tập trung về khu Bàu Cát để chạy dù hết rồi” - chủ nhiệm một hợp tác xã nói. Còn theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, vài năm lại đây sản lượng xe qua bến giảm 30%-40%, có tuyến sụt tới 50% vì hiện tượng xe bỏ bến ra chạy bên ngoài.
Đến khu vực Bàu Cát, Hồng Lạc, Thoại Ngọc Hầu, Vườn Xoài mỗi chiều, rất dễ gặp ngay cảnh nhộn nhịp xe vào ra nườm nượp trước văn phòng, chi nhánh của các hãng A Tỷ, Song Tâm, Chín Xong, Ba Nga, Trần Hòa… “Anh Hai đi đâu? Huế, Đà Nẵng hay Quảng Ngãi? Xe giường nằm 12-14 tiếng là tới à!” - một lơ xe của hãng Song Tâm nhanh nhảu quảng cáo.
Trong khi đó, khu vực đường Tản Đà, Mạc Thiên Tích (quận 5) lại nhộn nhịp vào giấc sáng với đủ các hãng xe của Việt Nam và Campuchia. “Chú muốn đi Phnôm Pênh, Siêm Riệp chơi hay chỉ qua bên kia Bà Vẹt ngó sòng bạc, sáng đi chiều về đều có xe cả” - một anh lơ da đen cháy của chiếc xe mang biển số “chữ con giun” chào mời chúng tôi.
Theo thống kê mới nhất của thanh tra GTVT, hiện TP có hơn 100 doanh nghiệp chuyên đón, trả khách bằng xe du lịch, hợp đồng hoặc theo tuyến liên tỉnh cố định tại hơn 120 điểm thuộc các quận 1, 3, 5, 8, 9, 10, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức… Từ vài năm qua, các điểm đón, trả khách trên không chỉ ở sâu trong trung tâm TP mà đã lan tỏa tới từng khu vực, từng quận, huyện vùng ven.
Một điểm xe đón, trả khách trên đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: L.ĐỨC
Hợp pháp nhưng vẫn mang tiếng xe “dù”
Qua kiểm tra, các doanh nghiệp kinh doanh theo loại hình hợp đồng, du lịch, liên vận quốc tế… đều tuân theo quy định pháp luật hiện hành. Nhưng vì sao hoạt động đó vẫn bị coi là xe “dù” và nơi dừng đón, trả khách bị coi là bến “cóc”?
Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP, khái niệm bến “cóc”, xe “dù” xuất hiện từ sau năm 1975. Theo đó, những điểm đón, trả khách chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì gọi là bến “cóc”; xe kinh doanh ở những nơi này (dù có đăng ký hay không) đều gọi là xe “dù”!
Đến sau năm 2002, khi cơ chế độc quyền khai thác tuyến trong các bến xe bị xóa bỏ, nhiều doanh nghiệp, cá nhân vẫn không vào bến chạy xe mà tiếp tục chạy bên ngoài để né tránh các loại thuế, phí… Từ sau năm 2004, các bến xe từ hoạt động công ích là chính chuyển hẳn sang kinh doanh, dịch vụ (dưới dạng công ty cổ phần hoặc TNHH) với nguồn thu là các loại phí, lệ phí được đẩy lên cao liên tục. Do gánh nặng tài chính, nhiều doanh nghiệp vận tải đang hoạt động trong bến cũng gia nhập vào làn sóng xe “dù”, bến “cóc”. Lúc này, hoạt động của xe “dù”, bến “cóc” càng trở nên nhộn nhịp với những cách thức tổ chức bài bản, quy mô. Các hãng đều biến trụ sở, văn phòng chi nhánh hoặc trạm đại diện… của mình thành bến. Nổi bật nhất là khu vực đường Lê Hồng Phong, Trần Phú thuộc quận 5 và 10.
Sở GTVT TP đánh giá các doanh nghiệp hoạt động theo các loại hình hợp đồng, du lịch, liên vận quốc tế trên đã, đang và sẽ tiếp tục tổ chức những điểm đón, trả khách cố định (vì khách đi xe đã quen điểm) tại những nơi như trung tâm TP, điểm đông dân cư, đầu mối giao thông. Các hãng đều tổ chức đặt chỗ qua điện thoại, Internet; đưa đón khách tận nhà… Những yếu tố này đã khiến hành khách ngày càng thích lựa chọn loại hình xe “dù”, bến “cóc”.
“Từ thực tế trên, chúng ta cần tìm hiểu kỹ nhiều vấn đề: Có giải pháp nào thực sự hiệu quả để chống xe “dù”, bến “cóc” không? Nếu quyết liệt làm thì có thể dẹp được không? Dẹp xe “dù”, bến “cóc” thì người dân có được hưởng lợi?... Còn nếu không tìm được giải pháp tối ưu thì có lẽ nên tính tới phương án sống chung cùng xe “dù”, bến “cóc” với tiêu chí tiên quyết là đảm bảo ATGT và trật tự xã hội” - một cán bộ Sở GTVT đặt vấn đề.
Phong phú hình thức xe “dù” Căn cứ theo địa điểm và thời gian hoạt động khá ổn định, có thể chia các điểm, đón trả khách của các loại xe đi các tuyến như sau: - Xe chạy tuyến cố định đi Bến Tre nằm góc đường Võ Văn Kiệt, Mai Xuân Thưởng, Hậu Giang… thuộc phường 6, quận 6; xe tuyến Trà Vinh ở trên đường Trần Phú, quận 5 với các thương hiệu Thanh Thủy, Kim Hoàng; xe tuyến An Giang, Long Xuyên, Đồng Tháp ở đường Nguyễn Hữu Chí (sau lưng Thuận Kiều Plaza) hoặc khu vực cạnh Chợ Thiếc, quận 11; các thương hiệu Hoa Mai, Thiên Phú, Toàn Thăng chạy tuyến Vũng Tàu, hoạt động ở đường Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm, quận 1… - Xe hợp đồng, xe du lịch lữ hành dạng Open Tour hoạt động trên địa bàn khu vực phố Tây - Đề Thám, Phạm Ngũ Lão; xe hợp đồng lấy khách đi khu vực miền Trung, miền Bắc ở Bàu Cát, quận Tân Bình; - Xe chạy tuyến liên vận quốc tế hoạt động ở sau khu vực BV Đại học Y Dược, quận 5 và khu Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, quận 1… ________________________________________ Tôi chẳng quan tâm quy định xe khách phải chạy từ bến nào mà chỉ quan tâm đến chất lượng dịch vụ của nhà xe. Khu vực Lê Hồng Phong có nhiều hãng chạy xe về miền Tây, khách đã quen và đi cũng tiện. Thế sao lại bắt chúng tôi phải ra Bến xe Miền Tây mua vé để đi xe? Ông LÊ MINH TÂY, nhà ở đường Trần Hòa, quận 5 |