Trụ sở UBND TP.HCM sáng đèn bên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh Phước Tĩnh
Theo UBND TP và Sở GTVT cho biết việc xây dựng, vận hành phố đi bộ ở TP.HCM là chưa có tiền lệ. Vì vậy, nên phải vừa làm vừa hoàn thiện, tiếp tục điều chỉnh cả trong quá trình vận hành. Thành phố sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh công trình. Các công trình phụ như nhạc nước nghệ thuật, bồn hoa, cây xanh, chiếu sáng… dọc hai bên đường phải đến 28-4 mới hoàn thành.
Theo đề xuất từ Sở GTVT, khi hoàn thành phố đi bộ với quảng trường rộng 27 m sẽ ưu tiên dành cho người đi bộ. Trong thời gian đầu, ô tô con và xe máy được phép lưu thông vào hai con đường dọc phố (rộng 10,5 m với 2 làn xe) theo hướng lưu thông một chiều với tốc độ từ 10-15 km/h. Vào ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ sẽ cấm xe trong khoảng thời gian từ 17 giờ - 23 giờ (khi đưa vào vận hành, có thể điều chỉnh giờ cấm).
Để phố đi bộ phục vụ người dân tốt hơn, thành phố phải tính toán kỹ những vấn đề phát sinh từ xe máy. Ảnh Phước Tĩnh
Trong những ngày vừa qua, lượng người đến tham quan phố đi bộ rất đông, đa số họ đều cho biết dùng xe máy để đến quảng trường. Bởi vậy, nhiều người cảm thấy lo họ sẽ gửi xe máy ở đâu và liệu có gặp phiền toái gì từ việc này không?
Về vấn đề này, Sở GTVT cho biết, thành phố đang tính đến nhiều phương án xây dựng bãi giữ xe công cộng. Vì hiện nay thành phố chưa có một bãi giữ xe dành riêng cho người dân. Trước mắt người dân đến tham quan sẽ gửi xe ở các toà nhà, trung tâm thương mại khu vực xung quanh phố đi bộ 500 m.
Về lâu dài, Sở GTVT dự kiến xây dựng một bãi giữ xe với diện tích khoảng 1.500 m² (tính từ trung tâm đường Nguyễn Huệ); sử dụng khoảng 20% bãi giữ xe ở các toà nhà, cao ốc khu trung tâm có tầng hầm đậu xe (mặt bằng khoảng 480.000 m²) đáp ứng khoảng 1.300 xe ô tô và 2.650 xe máy; kết hợp cho phép đậu xe ô tô và giữ xe máy trên 25 tuyến đường ở khu vực gần trung tâm, như: Lý Tự Trọng, Hàm Nghi, Pasteur… dự kiến chứa thêm khoảng 1.380 xe ô tô và 3.390 xe máy.
Trước những con số vừa nêu, nhiều người đang tự suy ngẫm: Liệu các bãi giữ xe ấy có đáp ứng với khoảng 9 triệu phương tiện xe máy hiện nay (7 triệu xe đăng ký ở thành phố và khoảng 2 triệu phương tiện ở các tỉnh) và lượng phương tiện “khủng” đăng ký mới mỗi ngày (khoảng 1.000 xe máy và 100 xe ô tô/ngày - số liệu PC67)?.
Để có thể giảm bớt áp lực gửi xe máy, nhiều người đề xuất ý kiến cho người dân được đi xe đạp trên quảng trường phố đi bộ. Bởi họ muốn vừa dạo phố bằng xe đạp vừa khỏi mất công gửi xe máy ở bên ngoài. Sở GTVT TP, nhìn nhận thẳng thắn rằng Ban quản lý dự án chưa nghĩ đến vấn đề có cho phép xe đạp chạy trên phố đi bộ, vì cơ bản phố đi bộ xây dựng ưu tiên cho người đi bộ!
Trong khi đó, ông Lê HoàngMinh, Phó giám đốc Sở GTVT chia sẻ thêm thông tin, để giảm tải áp lực lưu lượng xe máy, sắp tới thành phố sẽ có hệ thống xe điện để đưa rước người đi bộ từ xa, tương tự như ở Hà Nội, Nha Trang…
Theo dự kiến, sẽ có khoảng 20 chiếc xe điện với sức chở 12 người/xe, với tốc độ 20 km. “Một ngày gần đây xe điện sẽ hoạt động, và chúng tôi hy vọng người dân sẽ hài lòng với những tiện ích của nó, còn chính xác vào thời gian nào thì tôi không được phép thông tin.” Ông Minh nói.