Đi ăn ở ngoài hàng quán, làm sao để an toàn?

Từ 28-10, TP.HCM đã chính thức cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được phục vụ tại chỗ kèm các điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch. Trong đó có tiêu chí các hàng quán sẽ được phục vụ khách tại chỗ với công suất 50% và không được phục vụ các thức uống có cồn như rượu, bia vì lo sợ tụ tập đông người trừ một số địa bàn của quận 7 và TP. Thủ Đức. Điều này cũng khiến không ít người dân TP.HCM rủ nhau qua hai quận này để được uống rượu, bia sau nhiều tháng xa cách.

Mặc dù hàng quán được phục vụ tại chỗ nhưng theo các chuyên gia y tế tình hình dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, trưởng Ban quản lí an toàn thực phẩm TP.HCM cũng thừa nhận "chúng ta không được chủ quan", dù bây giờ cho bán tại chỗ "nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là uống rượu bia khi giao lưu gặp gỡ". Bà Lan cho rằng, dù thí điểm tại quận 7 và TP Thủ Đức nhưng vẫn mong các con số nhiễm mới, tử vong giảm dần, bởi nếu số ca tăng mạnh thì sẽ có thể không cho bán ăn uống tại chỗ nữa.

"Mỗi người dân phải nhất quán trong bảo vệ sức khỏe của mình. Vui thôi đừng vui quá", bà Phong Lan cảnh báo.

Người bán và người ăn cần đảm bảo khoảng cách giữa các bàn ăn. Ảnh: Hạ Quyên

Bà cũng lưu ý, để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19, các hàng quán và khách hàng cần tuân thủ khoảng cách và bán 50% công suất.

"Quan trọng nhất là ý thức của mọi người. F0 ngồi trong quán nhiều, thấy đông người quá thì đừng vô"- bà Lan nói.

Bên cạnh đó, bà Lan cũng lưu ý, người dân khi đến hàng quán ăn tại chỗ nếu phát hiện cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm thì không nên vô ăn và báo cho cơ quan chức năng đến xử lý. "Nơi nào làm sai thì sẽ bị phạt, bị đóng cửa"- Trưởng Ban quản lí an toàn thực phẩm TP.HCM nhấn mạnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cũng cho biết hiện nay, TP thực hiện các biện pháp nới lỏng và mở cửa trở lại, nhiều người lo lắng virus đâu đó trong không khí khi xe ngoài đường tăng lên, người lo lây qua đồ ăn, qua shipper.... Tuy nhiên nguồn lây COVID-19 vẫn vậy. "Trước sau gì cũng do hít thở và qua trung gian là bàn tay đưa lên vùng mũi, miệng mà thôi. Do đó, theo bác sĩ Khanh thay vì lăn tăn lo lắng có thể ăn phải thực phẩm chứa COVID-19 thì hãy chú ý đến bàn tay của bạn và cách tiếp xúc với người bán, shipper giao hàng, bởi bàn tay thường là thủ phạm "trung gian" gây ra lây nhiễm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm