TAND huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Huỳnh Thị Kim Quy (sinh năm 1971, trú xã Ea Pil, huyện M’Đrắk) về tội cố ý gây thương tích.
Do xuất hiện một số tình tiết mới, một số nội dung cần làm rõ, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Dì cháu “choảng” nhau vì chuyện cắt cỏ
Bà Quy bị cáo buộc dùng dao rựa đánh một cái vào vùng trán trái của bà Đặng Thị Đào (sinh năm 1953, dì của bị cáo, trú cùng địa phương) gây thương tích 3%.
Cụ thể, trưa 15-1, vợ chồng bà Đào cắt cỏ, sau đó có cắt qua phần đất của gia đình bà Quy. Bà Quy đi ra cho gà ăn thì nhìn thấy liền vào nhà báo với chồng. Sau đó, vợ chồng bà Quy đi ra bờ hồ để nói chuyện.
Chồng bà Quy ngăn cản chồng bà Đào cắt cỏ trên phần đất nhà mình dẫn đến hai bên mâu thuẫn, cãi nhau. Chồng bà Quy cãi nhau với chồng bà Đào, còn bà Đào thì cãi nhau với bà Quy.
Lúc này, hai anh Vương Văn Hùng và Đoàn Quang Sơn (sinh năm 2001, xã Ea Pil) đi làm rẫy về, thấy hai bên cãi nhau nên đứng lại can ngăn.
Trong lúc cãi nhau, bà Quy cầm một con dao rựa đứng trên bờ hồ, bà Đào cầm một cái liềm đứng ở bậc thấp hơn của bờ hồ, cách bà Quy khoảng 1,5 m. Bà Quy cầm dao bằng tay phải, liên tục đưa dao lên xuống trước mặt bà Đào rồi đánh một cái từ trên xuống làm mũi dao trúng vào trán bà Đào gây thương tích. Bà Đào được đưa đến điều trị tại Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk. Sau đó, bà Đào làm đơn yêu cầu khởi tố bà Quy.
Cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra vụ việc, thu giữ một cây rựa và một chiếc liềm từ những người liên quan.
Một thời gian sau, bà Đào có giao nộp một chiếc mũ màu xanh với một vết rách ở bên trên. Tuy nhiên, tại tòa, bị hại và những người liên quan xác nhận cây rựa cơ quan điều tra thu giữ không phải cây dao rựa mà bị cáo đã cầm vào thời điểm xảy ra sự việc.
Luật sư trình bày tại tòa. Ảnh: HT
Xuất hiện tình tiết mới tại tòa
Tại tòa, bị cáo Quy liên tục kêu oan, không thừa nhận việc đã dùng rựa đánh trúng bà Đào như cáo trạng nêu. Từ quá trình lấy lời khai cho đến phiên tòa, bị cáo không thừa nhận hành vi như cáo buộc.
Theo đó, bà Quy xác nhận có cầm một cây rựa (chứ không phải dao rựa) lúc xảy ra vụ việc nhưng trong quá trình mâu thuẫn, không có việc đánh vào đầu bà Đào gây thương tích 3%.
Bị cáo cũng yêu cầu triệu tập thêm những người làm chứng liên quan để làm rõ vấn đề. Chồng bà Quy khai tại tòa rằng thấy bà Đào cầm liềm để tự gây thương tích, chứ không phải do vợ ông đánh.
Trong khi đó, phía bị hại khẳng định bà Quy đã dùng rựa đánh trúng vào đầu gây thương tích nhưng không nhớ chính xác bà Quy đã cầm cây rựa bằng tay nào. Người bảo vệ cho bị hại nói lời khai của nhân chứng cho thấy bà Quy dùng rựa đánh vào đầu bà Đào có tiếng “bộp”.
Luật sư của bị cáo Quy đưa các hình ảnh hiện trường vụ việc và cho rằng không có căn cứ xác định bà Quy đánh bà Đào. Bởi lẽ khoảng cách giữa bà Đào và bà Quy theo cáo trạng là 1,5 m. Trong khi đó, nhiều nhân chứng và cả bị hại xác nhận cây rựa mà bà Quy cầm khoảng 60-80 cm, nên không thể với tới.
Vết thương của bị hại chỉ ở phần trên mắt rất nhỏ, nếu theo lời khai bị cáo dùng rựa bổ xuống đầu bà Đào thì vết thương phải lớn, hơn nữa vết rách trên mũ có độ dài lớn hơn so với vết xước trên trán bị hại.
Luật sư của bị cáo đề nghị HĐXX cho bị hại đội lại chiếc mũ có vết rách mà bà đã nộp cho cơ quan điều tra. Đại diện VKS và HĐXX cũng đồng ý nhưng tại tòa, bà Đào không đội lại mũ. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng đây là quyền của bị hại.
Ngoài ra, luật sư cho rằng lời khai của các nhân chứng trong hồ sơ bất nhất nên đề nghị HĐXX cho dẫn giải đối với hai nhân chứng quan trọng là hai anh Vương Văn Hùng và Đoàn Quang Sơn đến để đối chất tại tòa.
Về việc này, mặc dù cơ quan chức năng đã tống đạt quyết định dẫn giải đối với hai nhân chứng này nhưng họ không có ở địa phương nên không thể dẫn giải đến tòa để đối chất.
Cùng với đó, bị cáo Quy cung cấp cho HĐXX một USB có nội dung về việc anh Vương Văn Hùng phủ nhận việc thấy bà Quy dùng rựa đánh vào đầu bà Đào gây thương tích.