Có thể trong suy nghĩ của nhiều người, những kẻ buôn người phải thuộc thế giới ngầm, nhìn đáng sợ và nguy hiểm lắm. Nhưng thật ra những kẻ tham gia vào các đường dây buôn người mà chúng tôi đã gặp lại có vẻ mặt thân thiện, cách nói chuyện hết sức… chân thành.
Cũng bởi vậy nên họ dễ dàng thiết lập được mối quan hệ gần gũi với các nạn nhân. Tâm lý yếm thế, nhẹ dạ, ít hiểu biết do thiếu thông tin của nhiều người chính là mảnh đất màu mỡ để nạn buôn người phát triển và ngày càng tinh vi.
Tại nhiều vùng quê nghèo, một số cô gái được ai đó thăm dò coi có muốn lấy chồng nước ngoài để đổi đời không. Ai đó có thể là người thân, người quen hoặc một người hay ghé tới địa phương mua bán, cũng có thể chỉ gặp tình cờ. Lúc đó nhìn họ rất đáng tin và chất phác, y như những người nơi vùng quê ấy. Nhiều cô gái được tác động tư tưởng sâu sắc đến mức dù không chọn lấy chồng nước ngoài thì họ cũng nói… y chang ai đó để khích lệ những người muốn xuất ngoại đổi đời.
Hầu hết trong số họ đều tin rằng những cô gái nông thôn chỉ có hai lựa chọn: Hoặc “lấy đại” một anh chàng dân quê ham nhậu, gia trưởng, vô trách nhiệm và cả đời không ngóc đầu lên nổi; hoặc theo mấy dì, mấy chị giới thiệu đi lấy chồng nước ngoài. Định cư nước ngoài là một chân trời mới đầy sức hấp dẫn, tất nhiên họ sẽ chọn con đường nhiều hy vọng hơn. Đây chính là đòn tâm lý thành công nhất của những kẻ buôn người.
Tôi từng gặp cô gái bị bán ra nước ngoài tới hai lần, khi được hỏi vì sao không rút kinh nghiệm lần trước, cô trả lời: “Em xui xẻo nên chịu thôi. Em vừa xấu vừa ít học, lấy chồng Việt Nam chắc chắn không được người đàng hoàng”.
Tôi nói với cô rằng không phải chỉ có hai con đường hoặc lấy chồng Việt hoặc lấy chồng nước ngoài, vẫn còn nhiều con đường khác để sống tốt, ví dụ như liên hệ với các tổ chức hỗ trợ học nghề. Khi có một nghề ổn định, cô có thể tự quyết cuộc đời mình mà không cần bám víu vào ai, có thể tự tin chờ đợi cho đến khi gặp người đủ tốt. Cô nói rằng nhiều người cùng cảnh với cô không ai tin rằng có con đường khác để lựa chọn…
Xuất khẩu lao động là con đường rủi ro và cũng nhiều cay đắng, kể cả con đường hợp pháp cũng đầy những hiểm họa nếu công ty cố ý lập lờ đánh lận thông tin. Nhiều người có người thân sang nước ngoài làm việc trong điều kiện hết sức tồi tệ, bị bạc đãi, họ vẫn chấp nhận đánh đổi để xuất ngoại với hy vọng đổi đời.
Khoan nói đến những lý do cá nhân và kỳ vọng của gia đình quàng lên vai các lao động trẻ, chỉ nói đến khả năng tuyên truyền của mạng lưới tuyển người đi xuất ngoại đã thấy họ cực kỳ thành công khi đánh trúng tâm lý người dân quê. Họ gieo cho người dân niềm tin làm thuê ở quê nhà có mà làm cả đời giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn, trong khi ra nước ngoài làm thuê vài năm là đổi đời.
Mong muốn đổi đời nhanh không đáng trách vì hầu như ai cũng có mong muốn đó, chỉ là ít hay nhiều. Nhưng để nó không trở thành cái bẫy chết người, mỗi người dân cần tìm hiểu kỹ và tuân thủ luật pháp trước khi đưa ra quyết định đi tìm kiếm giấc mơ đổi đời nơi viễn xứ.