Sở Y tế TP.HCM vừa chỉ đạo tăng cường rà soát, kiểm tra trong khu dân cư để phát hiện kịp thời người đến từ các quốc gia, lãnh thổ đang có dịch bệnh và tổ chức cách ly y tế theo quy định.
Khu cách ly tập trung thứ hai tại TP.HCM đi vào hoạt động
Sáng 3-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết khu vực cách ly tập trung phòng dịch COVID-19 thứ hai của TP.HCM đã đi vào hoạt động để tiếp nhận những người đến từ Hàn Quốc.
Khu vực cách ly này được đặt tại địa chỉ 25 Phạm Thị Quy, ấp 1, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè với quy mô 108 giường bệnh. Ngoài được sắp xếp khu vực ở cách biệt có khoảng sân riêng, người cách ly còn được cung cấp nhu yếu phẩm cơ bản.
Hằng ngày, người cách ly được nhân viên y tế đo nhiệt độ, ghi nhận tình trạng sức khỏe. Trường hợp có vấn đề sức khỏe sẽ được thăm khám ban đầu. Nếu ai có triệu chứng sốt, ho, khó thở sẽ được đưa đến BV huyện Nhà Bè.
Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM cho biết tới thời điểm hiện tại có 274 trường hợp được cách ly tại khu vực tập trung của TP. Trong đó, 219 trường hợp cách ly tại bệnh viện dã chiến huyện Củ Chi, 43 trường hợp cách ly tại huyện Nhà Bè và 12 trường hợp cách ly tại quận 7.
Bên cạnh đó, có 257 trường hợp cách ly tại các điểm của quận, huyện. Trong đó, 60 trường hợp kết thúc thời gian theo dõi 14 ngày, 197 trường hợp còn lại đang tiếp tục theo dõi.
Ngoài ra, có 3.329 trường hợp được cách ly tại nhà và nơi lưu trú. Trong đó, 2.977 trường hợp hết thời gian theo dõi 14 ngày, 352 trường hợp còn lại được theo dõi tiếp.
Sở Y tế TP.HCM tăng cường giám sát tại các bệnh viện những trường hợp có yếu tố nghi ngờ, các trường hợp viêm phổi nặng, viêm hô hấp nặng do virus để phát hiện kịp thời trường hợp mắc bệnh COVID-19.
12 chốt bao quanh xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) vừa được gỡ bỏ nhưng các cấp chính quyền vẫn luôn trong tinh thần cùng người dân chống dịch. Ảnh: HP
Sơn Lôi được gỡ bỏ cách ly nhưng không chủ quan
Sau 21 ngày thực hiện nghiêm túc lệnh phong tỏa cách ly, không để xuất hiện thêm ca nhiễm COVID-19 mới, 0 giờ ngày 4-3, lệnh cách ly ở xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) vừa được gỡ bỏ, cuộc sống người dân được trở lại bình thường. Các lực lượng quân đội, công an, y tế rút khỏi 12 chốt chặn bao quanh xã.
Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này tại Việt Nam.
Mặc dù gỡ bỏ phong tỏa nhưng Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc quyết không chủ quan. Ban chỉ đạo yêu cầu các cơ quan, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ thông tin và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, tránh để xuất hiện ca nhiễm mới và các tình huống phức tạp.
Ban chỉ đạo tiếp tục phối hợp cùng cổng thông tin điện tử tỉnh gửi thông tin dịch bệnh, cách phòng tránh và khuyến cáo người dân địa phương hạn chế đi lại, không tổ chức những hoạt động đông người, hạn chế nguy cơ tái bùng phát dịch.
Đồng thời, cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân tự giác khai báo, thông báo cho chính quyền địa phương các trường hợp người nước ngoài đang cư trú tại địa bàn dân cư từ ngày 25-2; phản ánh trường hợp những người thân ở nước ngoài có nguyện vọng về nước với chính quyền địa phương để được hướng dẫn, giúp đỡ và kiểm tra y tế.
Sở Y tế TP.HCM tiếp tục áp dụng việc khai báo y tế tại các cửa khẩu cho tất cả hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý, Iran. Sở chỉ đạo thực hiện kiểm dịch y tế chặt chẽ tại sân bay Tân Sơn Nhất nhằm phát hiện kịp thời người nghi ngờ mắc bệnh, người đến từ những vùng có dịch và tổ chức theo dõi, cách ly phù hợp. |
Cà Mau cách ly ba du học sinh Hàn Quốc
Ngày 3-3, Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã có báo cáo thông tin về việc ba du học sinh Hàn Quốc đang cách ly tại trường quân sự địa phương tỉnh Cà Mau. Theo báo cáo này, ba du học sinh trên đã chủ động xin cách ly tập trung ngay khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.
Báo cáo do ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau nêu rõ ngày 28-2, ba du học sinh từ Hàn Quốc đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Lúc làm thủ tục tờ khai y tế sau khi rời máy bay, cả ba du học sinh này xin được cách ly tập trung nhưng cơ sở cách ly ở đây không chấp nhận.
23 giờ 45 phút cùng ngày, các em lên xe khách Phương Trang về Cà Mau. Trên đường về, các em liên hệ với người quản lý du học sinh tại Cà Mau nói rõ tình trạng của mình, được hướng dẫn tự cách ly, không tiếp xúc với người khác.
Đến Cà Mau sáng 29-2, các em được người quản lý du học sinh cho nghỉ ngơi một lúc rồi đi chụp X-quang, đồng thời trong buổi sáng, đội phản ứng nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh Cà Mau tiếp cận.
Cả ba em lúc này cũng tiếp tục xin được cách ly tập trung vì trước đó, ở Hàn Quốc, các em có tiếp xúc với mẹ một người bạn mà sau này biết là bị nhiễm virus Corona.
Đến 10 giờ 45 ngày 29-2, các em được cách ly tại trung tâm cách ly tỉnh Cà Mau, trong khu vực trường quân sự tỉnh này.
TP.HCM và tám tỉnh giả định 30.000 người nhiễm SARS-CoV-2 Buổi diễn tập diễn ra sáng nay, 4-3, ở các điểm cầu: Quân khu 7; Bộ tư lệnh TP.HCM; Bộ chỉ huy Quân sự tám tỉnh (Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Lâm Đồng, Long An); Sư đoàn 5; Sư đoàn 302; Sư đoàn 317. Kịch bản đưa ra năm cấp độ để huấn luyện phòng, chống dịch: Cấp 1 - có người nhiễm bệnh; cấp 2 - dịch bệnh lây nhiễm thứ phát trong nước; cấp 3 - dịch lây lan trên 20 người đến 1.000 người; cấp 4 - dịch lây lan trong cộng đồng từ 1.000 đến 3.000 người; cấp 5 - dịch lây lan từ 3.000 đến 30.000 người, lây lan vào một số đơn vị quân đội. |