Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa phát huy hết thế mạnh của mình, nên tăng trưởng không bền vững và ổn định.
Những yếu tố bất thường
- Phóng viên: Vừa qua Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ nhận xét rằng thị trường chứng khoán quá bất thường. Vậy theo ông, sự bất thường này nên cần nhìn nhận ra sao?
+Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải: Trước hết, chúng ta cũng nhìn nhận rằng, từ tháng 1-2020 đến tháng 3-2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng liên tục 9 quý với tốc độ tăng trưởng 33%. Đây là tốc độ tăng trưởng rất tốt. Và thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu đổ dốc vào tháng 4-2022.
Nếu tính từ tháng 1-2022 cho đến ngày 10-5-2022 thì Dow Jones giảm từ 36.000 xuống 32.000 điểm, mất 11% giá trị. Trong khi đó chỉ số VN Index từ 1.478 điểm vào tháng 1-2022 đã rớt xuống 1.293 điểm vào ngày 10-5-2022. Như vậy VN Index mất 13% giá trị.
Có thế thấy sự bất thường ở đây khi con số trên cho thấy tốc độ giảm của chứng khoán Việt lại mạnh hơn so chỉ số Dow Jones. Tuy nhiên, sự bất thường của chứng khoán Việt Nam hoà chung với bối cảnh thế giới đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị, các tác động chính sách tiền tệ của Mỹ, lạm phát tăng nóng ở toàn cầu…
Các yếu tố bất thường khác tác động lên thị trường chứng khoán Việt là trong quý 1-2022, các doanh nghiệp niêm yết đã hoàn thành công bố đầy đủ báo cáo tài chính năm 2021. Cần nhớ rằng, năm 2021 là thời điểm cả nước bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh. Điều này tạo ra những gam màu khác nhau ở từng doanh nghiệp.
Chẳng hạn, doanh nghiệp du lịch, hàng không thua lỗ nặng, nhưng doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế, thiết bị chống dịch lại lãi lớn. Dưới sức ảnh hưởng này, thị trường chứng khoán trong bốn tháng đầu năm 2022 cũng tạo ra bức tranh sáng tối khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.
Và cuối cùng sự bất thường nữa đến từ việc nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẻ hỡ của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu để trục lợi và Nhà nước buộc phải mạnh tay chấn chỉnh cũng dẫn đến tác động đến thị trường chứng khoán.
Ông Trần Thanh Hải, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: QH) |
- Theo ông, hiện nay thị trường chứng khoán đang có những “lỗ hổng” nào cần khắc phục?
+ Thị trường chứng khoán là nói đến thị trường vốn cho trung và dài hạn. Tuy nhiên, thị trường vốn không chỉ là nói riêng về chứng khoán mà còn có cả thị trường trái phiếu.
Đầu tiên hãy nhìn về Nghị định số 153/2020 về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có hiệu lực từ năm 2020. Qua diễn biến thực tế, nghị định này dù thiết kế chặt chẽ nhưng vẫn có lỗ hổng để các doanh nghiệp phát hành lách.
Bản thân thị trường trái phiếu có liên quan đến thị trường cổ phiếu. Đó là một số trái phiếu phát hành kèm theo chứng quyền mua cổ phiếu, hay một số trái phiếu phát hành được bảo đảm bằng cổ phiếu lưu hành. Do đó thị trường trái phiếu ăn theo thị trường cổ phiếu. Khi các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu riêng lẻ với lãi suất ưu đãi, họ phải tìm cách đẩy giá cổ phiếu lên, dẫn đến thao túng giá.
Thứ hai, phải thấy rằng, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhiều công ty niêm yết có sân sau là công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán sân sau sẽ tạo ra lực đẩy, lực cầu, lực cung hay nói cách khác là “đội lái” với cổ phiếu của công ty chủ sở hữu công ty chứng khoán đó mà không thể nào kiểm soát được.
Đã đến lúc cần phải kiểm soát điều này. Kiểm soát bằng cách đưa ra điều kiện giới hạn tỉ lệ sở hữu của công ty đại chúng với công ty chứng khoán. Việc chặn các doanh nghiệp niêm yết lũng đoạn các công ty chứng khoán sẽ giúp thị trường phát triển lành mạnh. Lúc đó, các công ty chứng khoán thực sự là những công ty trung tính, hoạt động đúng theo khuôn khổ pháp luật.
Và cuối cùng, cần nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính, đạo đức nghề nghiệp của các công ty kiểm toán. Làm tốt điều này, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết đáng tin cậy và đem lại sự an toàn cho nhà đầu tư.
Thanh lọc công ty niêm yết
- Theo ông, giải pháp nào để thị trường chứng khoán Việt phát triển bền vững?
+ Động tác mạnh tay của Chính phủ trong việc giảm các yếu tố tiêu cực trên thị trường chứng khoán vừa rồi là hoàn toàn hợp lý. Tôi hy vọng rằng đây là khởi đầu tốt hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam và là tín hiệu cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng, Chính phủ cam kết đẩy mạnh làm trong sạch thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu.
Trên thị trường hiện nay có những công ty lên sàn nhưng hiệu quả kinh doanh thấp, làm những trò "mông má" cổ phiếu, đánh cổ phiếu lên rồi bỏ chạy. Do đó tôi cho rằng cần có cuộc thanh lọc trong các công ty niêm yết.
Chính phủ cần chính sách hỗ trợ tư vấn, dịch vụ để cho những doanh nghiệp có thế mạnh từ nền tảng nông, lâm, thuỷ sản hay doanh nghiệp fintech lên sàn. (Ảnh: Phương Minh) |
Trong cuộc thanh lọc này, cần chú ý hỗ trợ về tư vấn, dịch vụ để cho những doanh nghiệp có thế mạnh từ nền tảng nông, lâm, thuỷ sản hay doanh nghiệp fintech lên sàn thì mới tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán Việt phát triển bền vững hơn, thay vì gặp những sự kiện tiêu cực mà chúng ta thấy vừa qua.
Thị trường chứng khoán Mỹ ngoài chỉ số Dow Jones, S&P 500 thì còn có chỉ số Nasdaq, chuyên cho các công ty công nghệ. Thế thì tạo sao chúng ta không tạo ra Nasdaq Việt Nam phục vụ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp mạnh về công nghệ.
Đã đến lúc dựa vào lực lượng lao động trẻ Việt Nam, dựa vào những cam kết thúc đẩy chuyển đổi số của Chính phủ, dựa vào độ mở ra thị trường thế giới thì nên có Nasdaq Việt Nam để giúp các doanh nghiệp non trẻ có nguồn vốn phát triển mạnh mẽ.