“Điệp viên hoàn hảo X6” và cuộc gặp gỡ cảm động

Buổi ra mắt cuốn sách đã trở thành một cuộc gặp gỡ cảm động của những nhà tình báo lớn Việt Nam như Mười Hương, Mười Nho, Sáu Tư, Tư Cang, Tám Thảo… để nhớ về người đồng đội cũ Phạm Xuân Ẩn của mình với sự quý trọng, yêu thương. Những chia sẻ chân thành của tác giả Larry Berman ở cuộc gặp đã khiến những ai có mặt đều xúc động, ngưỡng mộ về nhân vật huyền thoại Phạm Xuân Ẩn…

“Mơ ước hàn gắn mối quan hệ Việt-Mỹ”

Buổi họp báo đã bắt đầu với 30 giây tưởng nhớ ông Phạm Xuân Ẩn. Sự xúc động dâng cao khi GS Larry Berman phát biểu: “Chúng ta đang ở nơi đây, trong khách sạn Continental này, cũng là nơi đã diễn ra những hoạt động tình báo chính của Phạm Xuân Ẩn. Tôi xin được gửi lời cảm ơn đến những nhà tình báo thuộc Cục Tình báo của Việt Nam đã hoạt động cùng Phạm Xuân Ẩn, đã dành cả cuộc đời để bảo vệ cho điệp viên Phạm Xuân Ẩn. Ông Ẩn sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ của mình nếu không có được sự bảo vệ hết lòng đến thế”. Larry Berman nói: “Tôi muốn nói vài điều mới mà các bạn sẽ đọc trong quyển sách lần này. Cuộc đời Phạm Xuân Ẩn, ngoài là một điệp viên, một nhà hoạt động tình báo, ông còn là người hàn gắn mối quan hệ Việt-Mỹ. Ông Ẩn không bao giờ coi nước Mỹ là kẻ thù. Phạm Xuân Ẩn nói với tôi sau khi chiến tranh kết thúc ông muốn trở thành một nhà báo, dùng hoạt động báo chí hàn gắn mối quan hệ Việt-Mỹ. Ông muốn con ông và nhiều thanh niên Việt Nam được đến Mỹ để học tập nền giáo dục Mỹ…”.

“Điệp viên hoàn hảo X6” và cuộc gặp gỡ cảm động ảnh 1

Độc giả xin chữ ký của GS Larry Berman cùng các vị sĩ quan tình báo cấp cao Việt Nam tại buổi ra mắt cuốn Điệp viên hoàn hảo X6. Ảnh: HÒA BÌNH

Larry Berman kể rằng Phạm Xuân Ẩn đã được đánh giá rất cao từ chính đối thủ của mình là cơ quan tình báo Mỹ CIA mãi cho đến sau này. Ngay sau sự kiện khủng bố ngày 11-9 ở Mỹ, biết Larry Berman là người đã có nhiều cuộc tiếp xúc, nhận được nhiều câu chuyện kể về hoạt động tình báo và cuộc đời từ Phạm Xuân Ẩn, CIA đã tìm đến ông. Họ muốn ông chia sẻ những bài học về tình báo từ ông Phạm Xuân Ẩn mà theo họ, nếu biết được những điều này, nếu có được những kỹ năng tình báo như ông Ẩn, họ đã bảo vệ được nước Mỹ bằng những tin tức tình báo, không để xảy ra việc nước Mỹ bị tấn công như sự kiện 11-9.

Ký ức của đồng đội về Phạm Xuân Ẩn

Với những người đồng đội hiếm hoi đứng sau lưng hay song hành hỗ trợ cho hoạt động của mình, Phạm Xuân Ẩn cũng đã nhận được những lời nhận xét, đánh giá đầy trân trọng, yêu mến.

Ông Trần Quốc Hương (Mười Hương - nguyên Bí thư BCH Trung ương Đảng, chỉ huy mạng lưới tình báo chiến lược), người đã đề nghị đưa Phạm Xuân Ẩn đi Mỹ học báo chí để về làm tình báo cấp cao kể câu chuyện giản dị: “Khi biết tôi bị bắt, nhiều anh trong ban lãnh đạo đã không tin rằng Phạm Xuân Ẩn sẽ trở về nước. Nhưng tôi tin Ẩn sẽ trở về và anh ấy đã về. Khi đọc những tin tình báo của Phạm Xuân Ẩn, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói có cảm tưởng như đang ở ngay trong đầu não chỉ huy tác chiến của Mỹ”.

Đại tá Nguyễn Xuân Mạnh (Mười Nho) - Trưởng phòng Điệp báo 73, Cục Tình báo, Bộ Tổng tham mưu nhớ lại: “Những năm 1960 những người dân đi làm ăn bình thường từ Sài Gòn về Củ Chi là đã thấy sợ, vậy mà Phạm Xuân Ẩn đã từ Sài Gòn về Củ Chi gặp tôi, gặp đồng chí Võ Văn Kiệt, Cao Đăng Chiếm một cách bản lĩnh. Thời gian hoạt động bên anh không dài nhưng tôi rất mến phục tình cảm và thái độ chân tình của anh ấy. Tôi nhớ khi bị tôi phê bình về chuyện chuyển tài liệu tuyệt mật mà chỉ ngụy trang sơ sài, anh Ẩn nghiêm túc nhận khuyết điểm chủ quan mà không hề tỏ ra buồn giận hay tự ái…”.

Đại tá Tư Cang - Cụm trưởng tình báo H63 bùi ngùi nhớ lại: “Tôi cảm phục về tinh thần làm nhiệm vụ tình báo vô cùng thanh thản ở anh Phạm Xuân Ẩn. Làm điệp báo trong thành thì cái sống, cái chết rất cận kề nhưng anh ấy lúc nào cũng nhẹ nhàng, khiêm tốn. Anh ấy có lần nói rằng tôi và anh ấy sống đến ngày hôm nay chỉ là sự may mắn chứ không giỏi gì hơn những anh em khác. Sự thực không phải như thế, anh ấy là một người thật sự có tài. Được thưởng huân chương Chiến công hạng Nhất sau khi lấy được một số tài liệu quan trọng, anh ấy chỉ nói với tôi là gửi lời cảm ơn các anh ở trong cứ bởi cuộc chiến còn kéo dài, màn còn chưa chốt hạ, đâu biết rằng anh ấy có thể đeo được những huy chương ấy không. Sau 1975, đời sống kinh tế khó khăn, một người sống hào hoa ra vào nhà hàng, khách sạn như anh ấy vẫn cọc cạch trên chiếc xe đạp từ quận 3 sang nhà tôi ở Thanh Đa xin mấy trái đu đủ xanh về làm thuốc cho vợ. Tôi thấy xót thì anh ấy nói rằng tình hình chung, ai cũng như vậy thôi…”.

Cứ thế, những câu chuyện tốt đẹp về nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn từ những đồng đội của ông đã làm rưng rưng những người có mặt về một cuộc đời kỳ vĩ đầy huyền thoại nhưng lối sống vô cùng giản dị của một nhân cách lớn Phạm Xuân Ẩn.

“Hãy viết sự thật!”

Khi được hỏi vì sao Phạm Xuân Ẩn lại chọn ông để chia sẻ những bí mật, Larry Berman cho rằng vì ông Ẩn đã đọc quyển sách Không hòa bình, Không danh dự: Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam của ông và cho rằng ông là người viết trung thực và thẳng thắn. Trong suốt hai năm trời làm việc chung, Phạm Xuân Ẩn luôn từ chối những ý định viết về cuộc đời mình. Chỉ khi biết mình sắp chết, ông Ẩn mới chủ động gọi cho Larry Berman để nhận lời. Tuy nhiên, có những điều Larry Berman đã phải hứa với ông Ẩn chỉ công bố khi ông Ẩn mất, hay vĩnh viễn không viết ra nếu liên quan đến số phận nhiều con người. Và cũng có những điều mãi mãi là bí mật mà ông Ẩn đã mang theo bên mình. Một trong những lời cuối cùng Phạm Xuân Ẩn đã chia sẻ với Larry Berman thể hiện một nhân cách vô cùng đáng kính: “Có những người sẽ không thấy vui vẻ về những điều tôi đã kể cho ông nhưng đừng vì họ mà thay đổi câu chuyện. Hãy viết sự thật”.

______________________________________________ 

Ấn bản cập nhật mới Điệp viên hoàn hảo X6 do Frirst News ấn hành lần này với bản dịch của nhà báo Đỗ Hùng được Larry Berman cho là sát nghĩa, sát bản gốc nhất. Sách có bổ sung những phần viết thêm mà Larry Berman hứa với Phạm Xuân Ẩn chỉ công bố sau khi ông Ẩn chết. Dịp này, Larry Berman cũng công bố trao bản quyền cho First News - Trí Việt thực hiện bộ phim truyện nhiều tập và phim nhựa 120 phút cùng tên với cuốn sách.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm