Ngày 9-9, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) tổ chức họp báo thông tin về việc triển khai ba phần mềm hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Mã QR có hiệu lực ba ngày
Phần mềm thứ nhất được Bộ Công an xây dựng là ứng dụng khai báo y tế điện tử VNEID. Phần mềm này ra đời trên cơ sở hệ thống khai báo di chuyển nội địa, lấy mã QR do Bộ Công an triển khai trước đó qua website: suckhoe.dancuquocgia.gov.vn.
Thượng tá Tô Anh Dũng, Cục phó C06, cho biết hiện có nhiều app khai báo y tế cùng được sử dụng như Bluezone, NCOVI, Vietnam Health Declaration... Tuy nhiên, chỉ có app VNEID của Bộ Công an mới chạy trên nền tảng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Công an đã phối hợp cùng Bộ Y tế và Bộ TT&TT để thống nhất một mẫu tờ khai, khi công dân khai báo ở app nào cũng cho ra một mã QR chung dùng để qua chốt. Riêng với kiểm soát về dân cư ở vùng dịch, người dân cần dùng mã của Bộ Công an hoặc Bluezone.
Cũng theo Thượng tá Dũng, do có nhiều app khai báo y tế, người dân cũng có thể tùy chọn app cho mình theo thói quen. Dự kiến trong thời gian tới, Bộ Công an cùng các cơ quan liên quan sẽ hoàn thiện việc liên thông dữ liệu giữa các app.
Sau khi hoàn tất các trường thông tin cần khai báo tại app VNEID, người dân sẽ được cấp một mã QR có hiệu lực trong vòng ba ngày để lưu thông qua các chốt kiểm soát dịch bệnh hoặc các khu vực yêu cầu khai báo y tế.
Với việc kết hợp đọc mã QR bằng camera tại các chốt kiểm dịch, app VNEID sẽ giảm tải việc tiếp xúc và tăng hiệu quả kiểm soát. Hơn thế, không chỉ triển khai ở các chốt, ứng dụng này cũng dễ dàng triển khai ở các điểm khi có yêu cầu như siêu thị, cửa hàng thuốc, trung tâm thương mại... mà không cần phải lập chốt do công an kiểm soát.
CSGT kiểm tra thông tin sau khi camera quét mã QR tự động tại chốt kiểm soát trên đường Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: ĐÀO TRANG
Hiện tại, ứng dụng VNEID có thể cài đặt và sử dụng hoàn toàn miễn phí trên hai hệ điều hành của điện thoại thông minh là Android và iOS. Người dân cần nhập số điện thoại, số CMND/CCCD để hoàn tất quá trình đăng ký tài khoản. Khi có tài khoản và đăng nhập thành công, ứng dụng yêu cầu người dân cập nhật thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú.
Ứng dụng có hai tính năng chính là khai báo y tế toàn dân và khai báo di chuyển nội địa. Sau khi điền đủ thông tin cá nhân, mỗi người dùng sẽ có một mã QR riêng cũng chính là mã khai báo y tế, có hiệu lực trong 72 giờ.
Trước khi ra đường, công dân đăng nhập ứng dụng để khai báo y tế và lịch trình di chuyển để được cấp mã QR. Qua chốt kiểm soát dịch bệnh, người dùng xuất trình mã QR này.
Phần mềm xác minh người khó khăn vì COVID-19
Ngoài app VNEID, Bộ Công an còn cho ra mắt phần mềm quản lý công dân thuộc diện chính sách hỗ trợ COVID-19. Đây là phần mềm giúp xác minh nhanh chóng thông tin công dân, đặc biệt là công dân tạm trú, lưu trú, lang thang, cơ nhỡ thuộc diện hỗ trợ.
Phần mềm còn giúp công khai, minh bạch, chi trả đúng đối tượng cần được hỗ trợ. Đặc biệt vì được xác minh trên hệ thống dân cư toàn quốc, một công dân không thể nhận hỗ trợ hai lần, đồng thời bảo đảm công tác phòng chống tham nhũng.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành đã sử dụng phần mềm này. Lực lượng công an xã, phường, thị trấn đã phối hợp với UBND cùng cấp thực hiện cập nhật thông tin 547.748 trường hợp thuộc diện chính sách COVID-19 tại nơi cư trú, đã phát tiền trợ cấp cho 486.942 trường hợp.
Phần mềm thứ ba mà Bộ Công an triển khai đó là quản lý công dân nghi nhiễm COVID-19, giúp kịp thời đánh dấu nhanh các trường hợp đã chết, thời gian chết để hỗ trợ công tác quản lý cư trú, hộ tịch sau khi tình hình dịch bệnh giảm nhằm phục vụ quản lý nhà nước.
Để triển khai phần mềm này, công an địa phương đã thực hiện cập nhật thông tin 6.355 trường hợp F0, 5.063 trường hợp F1, 6.954 trường hợp F2, 1.114 trường hợp F3.
Cùng với đó, lực lượng cảnh sát khu vực, công an xã thường xuyên cập nhật theo dõi tình trạng của người nhiễm/nghi nhiễm, phục vụ kiểm soát việc giải quyết đi lại; thống kê nhanh, chính xác tổng số công dân thuộc diện F0, F1, F2 trên địa bàn quản lý…
TP.HCM gắn 100 camera để quét mã QR tự động Theo kế hoạch, C06 và Công an TP.HCM lắp đặt 100 camera quét mã QR tự động ở 21 quận, huyện và TP Thủ Đức, tạo thuận tiện hơn so với dùng điện thoại thông minh quét thủ công, hạn chế tiếp xúc gần, tránh lây nhiễm chéo. Ngày 9-9, ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM cho thấy hầu hết chốt kiểm soát ở TP.HCM đều đã kiểm tra mã QR, một số chốt đã được thí điểm gắn camera quét mã tự động. Tại chốt kiểm soát dịch trên đường điện biên phủ (quận Bình Thạnh), có nhiều người dân khai báo di chuyển nội địa bằng cách xuất trình giấy đi đường, mã QR. Tuy nhiên, vẫn còn một số người chưa nắm thông tin, chưa thực hiện trước nên phải dừng lại khai báo ngay tại chốt. Một chiến sĩ CSGT ở chốt này cho biết camera quét mã QR tự động mới đang triển khai thí điểm. Tương tự, tại chốt kiểm soát trên các đường Bạch Đằng, Nguyễn Xí, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) cũng chưa có camera quét mã QR tự động. Lực lượng trực tại các chốt kiểm soát sẽ tiến hành kiểm tra và quét mã QR trực tiếp. Chốt kiểm soát trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) có lượng xe nhiều, trung bình một ngày khoảng 15 chiến sĩ trực chốt và cũng chưa bố trí camera quét mã QR tự động. Chốt kiểm soát trên đường Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh) đã được bố trí camera. Khi người dân đưa mã QR vào, camera sẽ tự động quét mã và thông tin dữ liệu được truyền đến máy vi tính. Sau đó, cán bộ trực chốt sẽ kiểm tra thông tin người dân đã khai báo có chính xác với giấy đi đường và giấy tờ tùy thân hay không. Theo quan sát, việc sử dụng camera để quét mã QR sẽ nhanh hơn so với quét mã bằng điện thoại cá nhân đã áp dụng. Quy trình là một cán bộ hướng dẫn người dân đưa mã QR vào camera để quét, một cán bộ khác kiểm tra giấy đi đường, giấy tờ tùy thân để đối chiếu thông tin, người còn lại ngồi trực máy vi tính để kiểm tra thông tin sau khi quét mã. ĐÀO TRANG |