Điều tra vụ sử dụng bằng đại học giả đấu thầu 20 công trình xây dựng

(PLO)- Liên quan vụ sử dụng bằng đại học giả làm hồ sơ đấu thầu 20 công trình xây dựng tại Công ty TNHH HL, hiện cơ quan điều tra tỉnh Tiền Giang đã khởi tố 3 bị can và đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, tại kỳ họp lần thứ 11 HĐND tỉnh Tiền Giang vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, thông tin trong những năm gần đây loại tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức sự diễn biến phức tạp.

Tuy loại tội phạm này chiếm tỉ lệ khá nhỏ so với các loại tội phạm khác nhưng có chiều hướng gia tăng về nguồn tin, gây bức xúc dư luận.

Cụ thể, năm 2023, số nguồn tin tố giác tội phạm đến cơ quan điều tra là 16 nguồn tin, tăng 9 nguồn tin so với năm 2022. Qua đó, các cơ quan tố tụng đã giải quyết 26 vụ, đã khởi tố 12 trường hợp.

Tiền Giang: Điều tra vụ sử dụng bằng đại học giả đấu thầu 20 công trình xây dựng
Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, hiện các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiếp tục mở rộng điều tra một số vụ điển hình về làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức xảy ra trên địa bàn.

Vụ thứ nhất đó là vụ sử dụng bằng đại học giả làm hồ sơ đấu thầu 20 công trình xây dựng tại Công ty TNHH HL, cơ quan điều tra đã khởi tố 3 bị can.

Theo Viện trưởng Viện KSND tỉnh, thời gian từ năm 2017 đến thời điểm bị phát hiện (năm 2022), Nguyễn Hoài Phong, Nguyễn Hữu Thiện, Nguyễn Thiện Phú đã sử dụng bằng đại học giả để Công ty TNHH HL tham gia đấu thầu và trúng thầu thi công 19 công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, và 1 công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

“Vụ án đang giai đoạn điều tra, trưng cầu giám định xây dựng xác định các công trình có bị xuống cấp, thiệt hại thế nào do hành vi sử dụng bằng đại học giả thi công không đúng gây ra, để làm căn cứ khởi tố thêm tội danh: Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” - ông Hòa thông tin.

Vụ thứ hai đó là vụ giả mạo trong công tác, do các cán bộ thuộc UBND và Công an xã đã cấp khống tài liệu giả để các đối tượng bên ngoài sử dụng hợp thức hóa hồ sơ đăng ký xe mô tô xảy ra tại các huyện Chợ Gạo, Châu Thành, Tân Phú Đông, Thị xã Gò Công của tỉnh Tiền Giang.

“Vụ này cơ quan chức năng đã khởi tố 14 bị can là các cán bộ về tội giả mạo trong công tác, 7 bị can về tội sử dụng tài liệu giả. Vụ án đang tiếp tục điều tra, sắp tới sẽ có thêm những người liên quan sẽ bị khởi tố” - ông Hòa thông tin.

Cũng theo Viện trưởng VKSND tỉnh, đây là vụ án đã được báo cáo và đưa vào diện theo dõi , chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng , tiêu cực tỉnh Tiền Giang.

Thêm nữa là vụ làm giả và sử dụng tài liệu giả cơ quan tổ chức xảy ra tại TP Mỹ Tho, ông Nguyễn Văn Hòa cho biết vụ này Viện KSND TP Mỹ Tho đã truy tố đối với Phạm Thị Trúc Ly về tội làm giả và sử dụng tài liệu giả cơ quan, tổ chức.

Và cơ quan điều tra TP Mỹ Tho cũng đang điều tra thêm 3 vụ khác đó là Vụ Huỳnh Thanh Sơn, Tống Thị Diễm Sương và Từ Anh Tuấn về tội làm giả và sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Tiền Giang, cũng cho biết nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lôi kéo, rao bán các loại giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như: giấy phép lái xe, các loại bằng cấp, bằng đại học giả, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Tất cả đều trao đổi, giao dịch qua mạng xã hội.

Về đề xuất giải pháp, thời gian tới, Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin, truyền thông cần quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với nền tảng trực tuyến, không để việc lợi dụng các nền tảng này vào việc trao đổi, giao dịch bất hợp pháp các loại giấy tờ, bằng đại học giả...

Lực lượng phòng chống tội phạm, đặc biệt là lực lượng trinh sát, điều tra cần quan tâm tiếp nhận các thông tin, nền tảng trực tuyến để có kế hoạch, lập chuyên án đấu tranh, khám phá có hiệu quả và có giải pháp phòng ngừa…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm