Ở tuổi 36, Djokovic khẳng định tuổi tác chỉ là con số. Ảnh: GETTY |
Trong khi Roger Federer đã giải nghệ, Rafael Nadal thường xuyên bị chấn thương và có thể giải nghệ sau mùa giải tới, thành viên cuối cùng của “big three” - Djokovic lưu ý với người hâm mộ, còn rất lâu nữa anh mới giải nghệ.
Với chiến thắng 3-0 trước Daniil Medvedev tại chung kết, Djokovic không chỉ lần thứ tư đoạt danh hiệu Mỹ mở rộng, sánh ngang kỷ lục mọi thời đại 24 Grand Slam của Magareth Court, mà anh còn muốn nhiều hơn thế.
Tay vợt số 1 thế giới, Djokovic chia sẻ: “Thỉnh thoảng tôi cật vấn bản thân: Vì sao ở giai đoạn này, tôi vẫn cần điều này, nhất là sau tất cả những gì tôi đã có? Tôi sẽ tiếp tục bao lâu nữa? Tất nhiên, luôn có những câu hỏi đó trong tôi. Tôi biết mình vẫn còn thi đấu được ở trình độ cao, giành chiến thắng tại các Grand Slam, tôi chưa muốn rời bỏ quần vợt khi vẫn còn ở đỉnh cao”.
Trên đường vào chung kết, Djokovic đã vượt qua hai ngôi sao trẻ sáng giá nhất của quần vợt Mỹ, gồm Taylor Fritz (25 tuổi) ở tứ kết và Ben Shelton (21 tuổi) ở bán kết. Tuy nhiên với Medvedev – một đối thủ giàu kinh nghiệm hơn nhưng cũng là cơ hội giúp Djokovic “tự thanh tẩy”, loại đối thủ 27 tuổi sau hàng loạt pha bóng bền mệt lử.
“Suốt 24 giờ qua, gia đình tôi, đội ngũ của tôi… không đụng chạm gì đến những diễn biến của lịch sử. Tôi đã cố gắng hết sức, để giữ mọi thứ được đơn giản. Tuân thủ các thói quen đã giúp tôi có được vị trí hiện tại, coi trận đấu này như bất kỳ trận đấu nào khác và tôi chỉ cần thắng”, Djokovic chia sẻ.
Giải Mỹ mở rộng chúc mừng 24 danh hiệu Grand Slam của Novak Djokovic. Ảnh: US.Open |
Khi giành được Grand Slam thứ 22 tại Úc mở rộng, Djokovic đã sánh ngang thành tích của Nadal và sau đó lập kỷ lục, trở thành tay vợt nam đoạt nhiều danh hiệu lớn nhất khi đánh bại Casper Ruud tại chung kết Roland Garros.
Thời điểm bị Alcaraz vượt qua tại chung kết Wimbledon (tháng 7), nhiều ý kiến cho rằng, thế hệ trẻ sắp vượt qua Djokovic. Nhưng sau chức vô địch Masters Cincinnati rồi đăng quang Mỹ mở rộng, Djokovic vẫn chứng tỏ, chưa có sự tiếp nối nào là vững chắc.
“Các tay vợt đến và đi. Số phận tôi cũng tương tự vậy thôi. Rồi cũng đến lúc tôi sẽ gác vợt, có lẽ khoảng 23, 24 năm nữa. Sẽ có những tay vợt trẻ mới xuất hiện.
Liệu có sự chuyển giao thế hệ hay không? Tôi không bận tâm và cũng không phải kinh doanh để xem xét những gì họ nói hoặc nghĩ. Tôi chỉ tập trung vào những gì tôi cần làm, chơi tập trung nhất để giành thêm những danh hiệu lớn nhất môn quần vợt. Đó mới là điều tôi quan tâm”, Djokovic nhấn mạnh.