3 vấn đề khi mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về các vấn đề liên quan đến dự án đầu tư, mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Theo UBND TP, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án có nhiều vấn đề chưa được nghiên cứu, cập nhật.

Ba vấn đề chưa nghiên cứu, cập nhật

“Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang khai thác với quy mô bốn làn xe, không đảm bảo năng lực thông hành, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm hoặc khi xảy ra tai nạn, sự cố… đặc biệt tại nút giao An Phú, Trạm thu phí Long Phước” - ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP, nêu trong báo cáo gửi Bộ GTVT.

Theo UBND TP, với các lý do trên, việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc này là rất cần thiết. UBND TP cũng nêu ba vấn đề cần nghiên cứu về quy mô mặt cắt ngang của cao tốc trong hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang khai thác với quy mô bốn làn xe, thường xuyên ùn tắc gần các trạm thu phí vào giờ cao điểm hoặc khi xảy ra tai nạn, sự cố. Ảnh: HOÀNG GIANG

BQL dự án Mỹ Thuận vừa đề xuất Bộ GTVT đầu tư, mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bằng vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản. Bộ GTVT cũng vừa có văn bản gửi Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về việc cung cấp nguồn vốn cho dự án mở rộng cao tốc này.

Theo nghiên cứu của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, phạm vi mở rộng đường cao tốc từ bốn làn xe lên tám làn xe, dài 24 km. Điểm đầu dự án tại vị trí sau cầu Bà Dạt, phường An Phú (TP Thủ Đức); điểm cuối tại vị trí giao cắt dự kiến với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Dự án có tổng mức đầu tư dự tính khoảng 11.505 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2021 đến 2025. 

Thứ nhất, theo quy hoạch, lộ giới đường cao tốc này bao gồm đường cao tốc, đường song hành, đường sắt TP.HCM - Nha Trang và đường sắt nhẹ TP.HCM - Thủ Thiêm nhưng trong hồ sơ đề xuất chưa nghiên cứu, bố trí các công trình nêu trên vào mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh.

Thứ hai, giai đoạn 1 của dự án đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và hiện nay một số dự án đầu tư đang triển khai thực hiện dọc hai bên tuyến như dự án đường song hành cao tốc HLD, đường vành đai 3 Tân Vạn - Nhơn Trạch… Tuy nhiên, hồ sơ chưa kịp thời cập nhật, chưa thể hiện ranh phạm vi đã GPMB trước đây. Do đó, UBND TP cho rằng cần rà soát kỹ lưỡng các quy hoạch có liên quan (các quy hoạch chung của TP.HCM, TP Thủ Đức, các quy hoạch phân khu dọc hai bên tuyến...), các quy định về hành lang an toàn tuyến cao tốc, các tuyến đường sắt.

Bên cạnh đó, xem lại hiện trạng tuyến đường bao gồm ranh GPMB giai đoạn 1, ranh các dự án đang thực hiện dọc hai bên tuyến, vị trí trung tâm điều hành đường cao tốc (tại khu vực Trạm thu phí Long Phước...) để hoàn thiện thiết kế mặt cắt ngang hoàn chỉnh theo lộ giới quy hoạch đường cao tốc. Cần lưu ý thiết kế bao gồm vị trí toàn bộ các công trình nêu trên theo quy hoạch để làm cơ sở xem xét, đánh giá tổng thể sự phù hợp của thiết kế, làm cơ sở để việc xác định ranh bồi thường GPMB của dự án giai đoạn hiện nay.

Thứ ba, riêng đối với đoạn An Phú - vành đai 2, tư vấn (tư vấn, báo cáo, nghiên cứu tiền khả thi) đề xuất thiết kế đường đô thị quy mô tám làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/giờ. Tuy nhiên, UBND TP cho biết mặt cắt ngang phần đường cao tốc (theo hồ sơ tiền khả thi) chưa bố trí đủ bề rộng lề đường tối thiểu để phục vụ dừng, đỗ xe khẩn cấp, tăng khả năng thông hành, tăng an toàn chạy xe, bố trí thoát nước... theo quy định.

“Đề nghị tư vấn rà soát, nghiên cứu thiết kế mặt cắt ngang phần đường cao tốc tuân theo quy định của tiêu chuẩn thiết kế áp dụng, đảm bảo thuận lợi, an toàn trong quá trình khai thác” - văn bản của UBND TP.HCM nêu rõ.

Nhiều lưu ý về kết nối giao thông

UBND TP cũng lưu ý thêm về các vấn đề kết nối giao thông của dự án, như về nút giao An Phú (TP Thủ Đức). Hiện nay, dự án xây dựng nút giao An Phú đã được thông qua chủ trương đầu tư, do đó UBND TP đề nghị cập nhật hồ sơ thiết kế quy mô hoàn chỉnh nút giao này để đảm bảo kết nối, khai thác đồng bộ, thông suốt trên toàn tuyến.

Ngoài ra, cần lưu ý bổ sung nút giao kết nối đường Long Phước. Tại thông báo ngày 14-4-2021 của Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn chỉ đạo, giao Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị nghiên cứu tiền khả thi) chủ trì, chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu các phương án thiết kế nút giao kết nối đường Long Phước trong quá trình đầu tư, mở rộng tuyến đường cao tốc. “Tuy nhiên, hồ sơ đề xuất dự án chưa đề cập đến bổ sung thiết kế kết nối nêu trên” - UBND TP nêu.

UBND TP khẳng định việc bổ sung nút giao thông kết nối đường Long Phước với tuyến cao tốc này rất quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho TP Thủ Đức và khu Đông TP.

Về kiến nghị điểm cuối dự án mở rộng (Km24+558) tại vị trí giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (dự kiến tương lai) thuộc thị trấn Long Thành (Đồng Nai), UBND TP cũng cho rằng cần rà soát, đánh giá cụ thể các số liệu về lưu lượng giao thông, kịch bản nhu cầu vận tải... để xác định điểm cuối phù hợp, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Trong đó, cần lưu ý cập nhật tiến độ thực hiện đầu tư các dự án có liên quan như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

PGS-TS CHU CÔNG MINH, giảng viên bộ môn Cầu đường Trường ĐH Bách khoa TP.HCM:

Xem lại dự báo, nghiên cứu

Việc dự báo của mình có rất nhiều vấn đề, thủ công và hầu như ít được quan tâm. Ở Nhật Bản thì 3,5 năm là họ cập nhật dự báo một lần. Để quy hoạch tốt thì việc đầu tiên là phải dự báo đúng chứ không phải quy hoạch dựa trên ý kiến chủ quan. Dự báo rất tốn kém, vì thế ở Việt Nam ít khi thực hiện công tác này nghiêm túc, đa số là cực kỳ hời hợt. Tôi hy vọng công tác dự báo về cao tốc này được quan tâm hơn.

TS PHẠM VĂN HÙNG, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam:

Mở rộng cho đúng chuẩn cao tốc

Theo tôi, việc mở rộng cao tốc là đúng đắn vì nó đúng thiết kế chuẩn cao tốc. Chuẩn cao tốc là mỗi bên ba làn và một làn dừng khẩn cấp, tổng cộng hai bên tám làn xe. Việc mở rộng đã có dự kiến trong phương án phân kỳ đầu tư trước đó, tuy nhiên chỉ chưa chính xác ở số liệu dự báo nên chỉ trong thời gian ngắn đưa vào hoạt động cao tốc này đã phải mở rộng.

Đối với việc kết nối với các dự án khác, nguyên tắc khi mở rộng thì đều phải có kế hoạch kết nối.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

(PLO)- Nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường vành đai 3.