Ngày 19-11, sau khi phát đi thông báo cho rằng nước sạch cung cấp cho các địa phương lấy từ nguồn nước sông Đa Độ mặn nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí, Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng đã mời cơ quan chức năng lấy mẫu nước tại một số nơi để tiến hành xét nghiệm.
Nước máy có vị lạ
Ông Nguyễn Đức Hữu (trú phường Ngọc Sơn, quận Kiến An) phản ánh mấy ngày qua nước máy của gia đình ông xuất hiện tình trạng mặn hơn bình thường khá nhiều.
“Nước xả ra nhìn bình thường nhưng khi ngậm vào miệng đánh răng thấy vị mằn mặn, ngang ngang. Mấy hôm nay gia đình tôi phải mua nước đóng bình về nấu nướng, ăn uống” - ông Hữu nói. Theo ông, hầu hết các hộ dân xung quanh cũng gặp cảnh tương tự và phải mua nước đóng bình về sử dụng.
Nước máy của Nhà máy nước Cầu Nguyệt có vị mặn do nguồn nước đầu vào từ sông Đa Độ có độ mặn tăng cao.
Tại quận Kiến An, trong các ngày 17 và 18-11, hầu hết các hộ gia đình đều cảm nhận nước máy có vị lạ, có độ mặn cao hơn. Nhiều người đã đưa thông tin nước máy có vị lạ lên mạng xã hội khiến dư luận hồ nghi về chất lượng nước máy cung cấp tới cho người dân.
Ngày 18-11, Bệnh viện Kiến An đã kiểm tra các cây lọc nước sử dụng cho người bệnh tại các khoa. Kết quả chỉ số TDS (tổng lượng chất rắn hòa tan gồm khoáng chất, muối và kim loại) vượt mức quy định. Bệnh viện này đã yêu cầu dừng cung cấp nước uống tại các cây lọc nước từ ngày 18-11 cho tới khi nguồn nước bảo đảm.
Chất lượng nước vẫn đảm bảo?
Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng thừa nhận trong các ngày 17 và 18-11, nước máy tại các quận Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn và một số xã thuộc các huyện An Lão, Kiến Thụy xuất hiện tình trạng độ mặn cao, nước có vị ngang. Các địa phương này sử dụng nước máy được cung cấp từ hai nhà máy nước Cầu Nguyệt và Hưng Đạo, là các nhà máy lấy nước từ nguồn nước sông Đa Độ.
Ông Nguyễn Vũ Tùng, Phó Giám đốc Nhà máy nước Cầu Nguyệt, cho biết tình trạng nước máy có vị ngang, mặn hơn mức bình thường đã ảnh hưởng tới hơn 50.000 hộ dân sử dụng nước từ nguồn này. Theo ông Tùng, nước máy có độ mặn do nguồn nước sông Đa Độ nhiễm mặn cao.
Trưa 17-11, tại nguồn đầu vào lấy từ sông Đa Độ, thiết bị của nhà máy đo được độ dẫn điện tăng cao tới hơn tám lần so với bình thường, vượt xa giới hạn theo quy chuẩn. Hàm lượng clorua trong nước gấp hơn 43 lần so với bình thường.
Sông Đa Độ. Ảnh minh họa
Ngay khi phát hiện tình trạng nước đầu vào độ mặn tăng cao, Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng đã bổ sung nguồn cấp nước sạch từ Nhà máy nước An Dương sang khu vực Kiến An nhằm hạn chế phần nào độ mặn của nước máy.
Doanh nghiệp này cũng liên hệ với doanh nghiệp cung cấp nước thô cho các nhà máy nước Cầu Nguyệt và Hưng Đạo là Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ để tiến hành xả, thau đảo nguồn nước, giảm độ mặn nước sông.
Tới trưa 18-11, độ mặn của các nhà máy nước Cầu Nguyệt và Hưng Đạo đã giảm về mức quy chuẩn. Dự kiến nguồn nước tại đây sẽ về mức bình thường trong một vài ngày tới.
Ông Đỗ Văn Trãi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, cho biết tình trạng nguồn nước sông Đa Độ có độ mặn tăng cao là do mặn dâng cao đột biến ở hai triền đê sông Văn Úc, Lạch Tray.
Theo ông Trãi, ngoài thủy triều, nguồn thải từ chăn nuôi dọc sông cũng là một nguyên nhân làm nước tăng độ mặn. Tuy nhiên, ông Trãi cho rằng chất lượng nước sông Đa Độ vẫn đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt. “Chúng tôi đã báo cáo TP về nguy cơ độ mặn dâng cao nên về lâu dài cần có giải pháp xử lý” - ông Trãi nói.
Trong văn bản gửi cơ quan chức năng, ông Cao Văn Quý, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng, đề nghị các công ty khai thác công trình thủy lợi có biện pháp điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống thủy lợi, tăng cường thiết bị đo để cung cấp nước thô đảm bảo các chỉ tiêu theo đúng hợp đồng đã ký kết.