Không thể để lãng phí nữa, thưa Quốc hội!

302 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) (chiếm 62,7% tổng số ĐBQH) không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) thành hai luật. Đồng thời, có 251 ĐBQH tán thành việc để dự thảo một luật về GTĐB sang kỳ họp thứ 2 QH nhiệm kỳ sau (khoá XV) xem xét… Kết quả lấy ý kiến ĐBQH vào sáng qua (17-11) nêu trên đã chấm dứt những tranh cãi gay gắt về việc “một hay hai luật về GTĐB”.
Cần nhắc lại Chính phủ từng có Nghị quyết 70/NQ-CP cho rằng cần phải có thêm luật khác về GTĐB. Theo đó, Bộ GTVT được giao soạn thảo Luật GTĐB sửa đổi; Bộ Công an có nhiệm vụ soạn thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB theo hướng lấy qua một số nội dung của Luật GTĐB hiện hành.
Điều rất không hay là vì cùng điều chỉnh về GTĐB với mục đích chung là tạo ra sự trật tự, an toàn GTĐB nên dù đã được Chính phủ lưu ý “không được chồng chéo” nhưng hai dự thảo luật trên vẫn phải giẫm vào nhau. Sau nhiều lần được hai bộ chỉnh sửa, hai dự thảo luật vẫn được cả hai bộ đệ trình lên QH với nhiều sự trùng lặp, không phù hợp, có thể gây ra nhiều xáo trộn.
Để rồi khi chưa thể soát xét kỹ nội dung thì trong QH đã phải dành nhiều phiên họp để có ý kiến trước về mặt hình thức (một luật hay hai luật). Tại đây, mỗi nhóm đã có mỗi lý lẽ cho sự chọn lựa của mình và giờ thì tỉ lệ bỏ phiếu đã nêu cho thấy “một luật” mới là quyết định đúng.
Chuyện cần bàn nữa, “một luật” là luật gì?
Tuy đã chuyển nhiều nội dung qua dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB nhưng dự thảo Luật GTĐB sửa đổi vẫn đang có hơn 100 điều (nhiều hơn cả luật hiện hành gồm 89 điều). Chưa kể, khi không còn có Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB thì nhiều nội dung mới cần thiết trong dự thảo luật này có thể sẽ được đưa vào một luật về GTĐB.
Như vậy, “một luật” nên là Luật GTĐB mới hoàn chỉnh thay cho Luật GTĐB sửa đổi. Khi đó, luật mới giải quyết luôn thẩm quyền quản lý, đào tạo và sát hạch, cấp giấy phép lái xe theo hướng Bộ GTVT tiếp tục làm chứ không đưa qua Bộ Công an (dựa trên ý kiến của 321 ĐBQH (chiếm 66,74%) cũng tại phiên họp vào 17-11). Làm thế sẽ đáp ứng được các tiêu chí ngắn gọn, hợp lý, dễ nhớ, dễ làm theo.
Phải thấy rằng đã có nhiều lãng phí cho ngân sách trong việc dự thảo hai luật (từ giữa năm 2019, Bộ Công an đã chuẩn bị dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB mà theo bộ này là luật đó mới “tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, thiết lập và duy trì trật tự, an toàn trong lĩnh vực GTĐB, giải quyết được những nguyên nhân cơ bản, sâu xa của thực trạng tai nạn giao thông…”). Cùng với đó là những hao tốn đáng ra không có trong việc QH lấy ý kiến quyết định tách ra hai luật hay tích hợp vào một luật.
Vậy nên từ cách đặt vấn đề rất đáng lưu ý của một nữ ĐBQH, cần quyết liệt, dứt khoát để không lặp lại chuyện “làm mất thời gian của QH” do kiểu làm luật phân chia luật này của bộ này, luật nọ của bộ kia. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm