Sở GTVT Cần Thơ đề nghị chi 20 tỉ khắc phục đường hư do ngập

Sở GTVT TP Cần Thơ thông tin trong thời gian từ 17-10 đến 31-10, do ảnh hưởng của các đợt mưa, bão liên tục xảy ra, triều cường dâng cao làm nhiều tuyến giao thông trên địa bàn TP bị ngập nặng. Từ đó, ảnh hưởng nhiều đến việc lưu thông, gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Nước ngập làm ảnh hưởng việc lưu thông (Ảnh: Ngập nước trên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài vào cuối tháng 10 vừa qua). Ảnh: BT

Cụ thể, trên địa bàn quận Ninh Kiều có 62 tuyến đường chính trong nội ô bị ngập trung bình từ 20-40cm, một số tuyến ngập đến 55cm. Ước thiệt hại phải duy tu sửa chữa mặt đường khoảng 3 tỉ đồng.

Tổng số các tuyến đường bị ngập sâu thuộc các quận Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền và huyện Thới Lai là hơn 100 tuyến, ước kinh phí duy tu sửa chữa mặt đường khoảng  12 tỉ đồng.

Cạnh đó, một số tuyến đường do Sở GTVT TP quản lý, như đường tỉnh 917, 918, 919, 922, 923, 926,... cũng bị ngập sâu làm hư hỏng mặt đường, kinh phí sửa chữa ước khoảng 3 tỉ đồng.

Từ hiện trạng đã thống kê, Sở GTVT TP đã đề nghị UBND TP xem xét bố trí khoảng 20 tỷ đồng cho các địa phương và sở để khắc phục hư hỏng mặt đường do ảnh hưởng của mưa, bão và ngập nước do triều cường dâng cao.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, ngập nước cũng làm cho mặt đường nhiều nơi bị hư hỏng nặng cần được duy tu, bảo dưỡng. Ảnh: BT

Về giải pháp lâu dài, Sở GTVT TP nhận định Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP cần Thơ do Bộ NN&PTNT lập và phê duyệt tại Quyết định số 1721 năm 2012 đã không còn phù hợp với thực tế.

“Do đó, TP cần sớm giao cho một đơn vị xây dựng một Đề án chống ngập chung cho TP. Trên cơ sở đề án này đánh giá nguyên nhân gây ngập, đánh giá sự tác động của hệ thống đê bao ngăn lũ, ngăn mặn khu vực ĐBSCL, cập nhật các dự án chống ngập đang thực hiện và đưa ra các biện pháp công trình, phi công trình, lộ trình thực hiện, nguồn vốn thực hiện” – báo cáo của Sở GTVT thể hiện.

Cũng theo báo cáo, Sở GTVT đề nghị TP cần tổ chức Hội thảo các chuyên đề về chống ngập để lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia các tổ chức trong, ngoài nước, các trung tâm, các trường đại học và các Bộ, ngành Trung ương. Từ đó điều chỉnh đề án, phê duyệt và đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo để thực hiện.

Các nguyên nhân gây ngập đô thị

Theo Sở GTVT TP, Cần Thơ là địa phương có sông rạch chằng chịt, nền đất thấp nên bị ảnh hưởng rất lớn của thủy triều. Đặc biệt, TP Cần Thơ nằm trọn trong lưu vực của ba con sông lớn là sông Hậu, sông cần Thơ, kênh Cái Sắn nên tình trạng ngập lụt chịu tác động rất lớn từ chế độ tiêu thoát nước của ba con sông này.

Sở GTVT Cần Thơ đề nghị chi 20 tỉ khắc phục đường hư do ngập ảnh 3

Cạnh đó, thống kê trong 5 năm gần đây (từ năm 2016-2020), mực nước đỉnh các đợt triều cường luôn đạt trên báo động III (tăng từ 2,03m lên 2,25m). Vì vậy, vào thời điểm triều cường dâng cao, nhiều khu vực không có mưa vẫn xảy ra ngập vì cao độ nền thấp hơn cả mực triều cường.

Một nguyên nhân khác là hệ thống cống thoát nước ở khu vực trung tâm quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng đã cũ; tiết diện nhỏ và một số đoạn đang xuống cấp trầm trọng. Đáng quan tâm là nhiều tuyến đường vẫn chưa có cống thoát nước hoặc có nhưng bị tắc nghẽn, nên khi mưa xuống là đường biến thành kênh thoát nước.

Mặc khác, tại một số khu dân cư có hiện tượng lấp kênh, rạch tự nhiên hoặc kênh, rạch tự nhiên không được nạo vét, khai thông dòng chảy khiến việc thoát nước khi triều cường dâng gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, theo nhận định, các van ngăn triều hiện chưa hoạt động đạt hiệu quả cao, thậm chí có nhiều van ngăn triều bị hư hỏng, mất hoặc không đảm bảo độ bịt kín để chống nước tràn vào hệ thống cống khi đóng van. Song song đó, công tác vận hành van ngăn triều phụ thuộc chủ yếu vào thủ công.

Khi thủy triều vừa hạ, các van ngăn triều vẫn còn ngập sâu thì các công nhân gặp rất nhiều khó khăn khi mở, treo các nắp van để tiêu, thoát nước tốt hơn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm