Vào những ngày giữa tháng 3, dù trời nắng chang chang nhưng các miệng cống trên tuyến hẻm S11, đường Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM vẫn thường xuyên bị đọng nước. Đây là một trong hàng chục tuyến hẻm thường xuyên bị ngập úng trên địa bàn quận Tân Phú vừa được quận đề xuất thực hiện cải tạo cống thoát nước. Nếu được chấp thuận, tuyến hẻm khang trang này cũng sẽ bị đào lên để chống ngập.
Sẽ cần nhiều tiền
Thời gian qua các điểm ngập trên địa bàn TP chỉ mới được thống kê theo tiêu chí ngập đường, chưa có số liệu về ngập hẻm. Mới đây, khi UBND TP.HCM yêu cầu các quận/ huyện báo cáo danh mục các công trình chống ngập trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tình trạng ngập hẻm mới bắt đầu được thống kê.
Trong báo cáo gửi trung tâm chống ngập, UBND quận Tân Phú cho biết hiện nay trên địa bàn quận có đến 36 tuyến hẻm cần thực hiện dự án chống ngập với tổng số tiền lên đến hơn 106 tỉ đồng. Trong đó, có nhiều tuyến hẻm bị ngập sâu 40 cm, có nơi tình trạng ngập kéo dài đến năm tiếng đồng hồ. “Có nhiều tuyến hẻm do chưa có hệ thống cống thoát nước nên thường xuyên bị ngập. Mặt đường cũng bị ảnh hưởng, xuống cấp rất nhanh. Với những tuyến hẻm này, quận đề xuất nên thực hiện dự án lắp đặt hệ thống cống thoát nước kết hợp với cải tạo mặt đường” - một cán bộ quản lý đô thị của quận Tân Phú cho biết thêm.
Dù đã được TP đầu tư thực hiện nhiều dự án chống ngập trong những năm gần đây nhưng theo báo cáo của UBND quận 6, hiện nay trên địa bàn quận vẫn còn hơn 70 tuyến và cụm hẻm cần thực hiện dự án chống ngập, mặt hẻm và hệ thống cống thoát nước ở các tuyến này cần được nâng cấp. Tổng số tiền đầu tư ước tính hơn 160 tỉ đồng.
Quận 4 hiện cũng có 36 tuyến hẻm cần phải thực thiện dự án cải tạo từ nay đến năm 2018, mỗi dự án có mức đầu tư vài trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng. Quận Bình Thạnh, dù hệ thống cống thoát nước đã được đầu tư khá đồng bộ nhưng theo UBND quận Bình Thạnh, từ nay đến năm 2017 trên địa bàn quận vẫn còn hơn 10 tuyến hẻm cần được nâng cấp để chống ngập.
Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM tổ chức ứng cứu một con hẻm bị ngập nặng ở quận 12. Ảnh: TD
Ưu tiên làm trước hẻm nội thành
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc trung tâm chống ngập TP.HCM, cho biết hiện trung tâm chưa nhận được báo cáo đầy đủ của tất cả quận/huyện nên chưa có số liệu tổng hợp chính thức về các dự án cải tạo hẻm chống ngập trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, cũng như tổng mức đầu tư và nguồn kinh phí.
Vì sao đến nay TP mới thống kê các điểm ngập hẻm để lên kế hoạch chống ngập? Theo ông Long, thời gian qua TP ưu tiên chống ngập đường vì đây là những điểm nóng gây trở ngại giao thông. Tuy nhiên, hiện nay TP đã đầu tư thực hiện dự án chống ngập triều (kinh phí gần 10.000 tỉ đồng) nên việc thực hiện các công trình chống ngập hẻm cũng cần được đầu tư đồng bộ. “Mục tiêu của dự án ngăn triều là chống ngập cho vùng trung tâm với diện tích hơn 570 km2 nên trong vùng trung tâm này TP sẽ ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống cống thoát nước. Theo đó, các tuyến hẻm bị ngập ở các quận nội thành cũng sẽ được ưu tiên thực hiện cho đồng bộ. Theo đó, khi dự án ngăn triều hoàn thành thì sẽ phát huy được hiệu quả chống ngập cao nhất” - ông Long giải thích.
Theo ông Long, sau khi nhận đủ báo cáo của 24 quận/huyện, trung tâm sẽ tổng hợp và báo cáo lãnh đạo UBND TP xem xét. Tuy nhiên, không phải đề xuất nào cũng sẽ được chấp thuận. “TP sẽ tổ chức đoàn công tác liên ngành để đi thực tế, khảo sát, xem xét cụ thể. Khu vực nào cần được ưu tiên thực hiện trước cũng như vấn đề về kinh phí” - ông Long nói thêm.
Công nghệ “không đào đường” cần 300 tỉ đồng Theo trung tâm chống ngập, tại khu vực quận 1 và quận 3 sẽ hạn chế đào đường khi thực hiện các dự án cải tạo hệ thống cống thoát nước. Thay vào đó, sẽ cải tạo cống bằng công nghệ không đào đường do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tài trợ. Tổng kinh phí dự kiến cải tạo hệ thống cống thoát nước ở khu vực trung tâm TP bằng công nghệ “không đào đường” hơn 300 tỉ đồng. |