Đó là những phát hiện chính từ nghiên cứu điều tra công nghiệp Việt Nam được ông Brian Potelli, cán bộ tư vấn kỹ thuật của Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ (UNIDO), cho biết tại hội thảo Ưu đãi đầu tư với hiệu quả hoạt động DN do Bộ KH&ĐT tổ chức sáng 26-6.
So sánh giữa các địa phương, ông Brian Potelli cho biết TP.HCM không có sự khác biệt lớn nào giữa DN FDI được ưu đãi và không được ưu đãi. Song DN FDI vẫn hoạt động hiệu quả và tạo việc làm nhiều hơn DN trong nước. Tại Hà Nội và Bình Dương lại có sự khác biệt so với TP.HCM, DN FDI được ưu đãi tạo nhiều việc làm hơn so với DN FDI không được ưu đãi và DN trong nước. “Ưu đãi tài chính có thể và vẫn đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư FDI. Tuy nhiên, các ưu đãi này chỉ đóng vai trò bổ sung chứ không phải là một nhân tố cần thiết trong tiến trình thu hút đầu tư. Còn ưu đãi về thuế có tính chất quyết định hơn và có xu hướng cải thiện tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư FDI” - ông Brian Potelli nói.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam cần tích cực cải cách phát triển hạ tầng, nâng cao nguồn nhân lực để thu hút đầu tư hơn là đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, tiếp cận đất đai. “Điều quan trọng là cần có những chính sách bình đẳng giữa các loại hình DN thay vì chính sách ưu đãi dễ gây méo mó và khó kiểm soát như hiện nay” - ông Doanh nhấn mạnh. PGS Phạm Lợi - ĐH Kinh tế quốc dân cũng cho rằng thu hút FDI không nên ưu đãi nhiều về thuế, đất mà cần ưu đãi về thể chế. Đó là tạo ra môi trường minh bạch hóa và cơ chế gia nhập thị trường thông thoáng.
T.HẰNG