Doanh nghiệp hụt hơi vì chi phí lãi vay cao

(PLO)- Hiện hiệu quả kinh doanh và lợi thế cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp đang suy giảm. Nguyên nhân một phần đến từ việc phải vay quá nhiều với lãi suất cao.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Tập đoàn Lộc Trời báo lỗ gần 328 tỉ đồng riêng trong quý III-2023. Đây là lần lỗ theo quý lớn nhất từ trước đến nay xét trong giai đoạn năm năm gần đây. Trong báo cáo giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Lộc Trời cho biết việc lỗ nhiều trong quý III do có sự biến động về mặt chi phí, đặc biệt chi phí lãi vay tăng và khoản lỗ do tỉ giá.

Lãi vay tăng, doanh nghiệp lỗ

Thực tế, chi phí lãi vay của Lộc Trời đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, từ mức 64 tỉ đồng lên 158 tỉ đồng. Lũy kế chín tháng đầu năm nay, tổng chi phí lãi vay của tập đoàn này lên tới 421 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ 155 tỉ đồng.

Ông lớn bán lẻ trong ngành vàng bạc trang sức PNJ cũng phải trả bình quân 30 tỉ đồng tiền lãi vay mỗi quý, trong khi năm ngoái chỉ 20 tỉ đồng/quý. Lãi vay tăng cũng đồng nghĩa với lợi nhuận giảm sút.

Tương tự, đại gia thép Hòa Phát cũng đang chịu áp lực trả lãi vay lên đến gần 2.900 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm nay, tăng 700 tỉ đồng với năm ngoái. Bình quân mỗi tháng Tập đoàn Hòa Phát phải trả khoảng 322 tỉ đồng tiền lãi.

Tích cực giảm lãi suất cho vay

NHNN ngày 30-11 tiếp tục yêu cầu các ngân hàng tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tích cực giảm lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, DN.

Với các công ty bất động sản thì vừa gặp khó khăn do thị trường đóng băng, hàng bán giảm mạnh, vừa phải gánh các khoản chi phí lãi vay rất lớn. Đơn cử, Tập đoàn Novaland phải trả chi phí lãi vay 528 tỉ đồng, Phát Đạt 267 tỉ đồng, Nhà Khang Điền 88 tỉ đồng… trong chín tháng đầu năm. Hiếm hoi lắm mới thấy công ty trong lĩnh vực này là DIC Corp giảm chi phí lãi vay từ 199 tỉ đồng trong chín tháng năm ngoái xuống còn 53 tỉ đồng trong chín tháng năm nay.

Lãi suất cho vay vẫn chưa giảm nhiều

Theo TS Bùi Duy Tùng, ĐH RMIT Việt Nam, bất chấp nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc giảm lãi suất điều hành và giảm lãi suất huy động chung, lãi suất cho vay vẫn chưa giảm tương xứng. Ví dụ, trong khi các khoản vay mới có thể được hưởng lợi từ lãi suất thấp hơn ở mức 7%-9% thì các khoản vay cũ thường chịu lãi suất cao hơn, khoảng 10%-13% mỗi năm.

Việc giảm lãi suất cho vay chậm hơn so với lãi suất tiền gửi sẽ tạo thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp (DN) đã có khoản vay từ trước. Một trong những lĩnh vực mà nhu cầu thị trường yếu hoặc tỉ suất lợi nhuận thấp, chẳng hạn như nông nghiệp hoặc một số phân khúc sản xuất nhất định, chi phí lãi vay cao làm giảm lợi nhuận. Ví dụ, Tập đoàn Lộc Trời vẫn báo lỗ trong quý III do biên lợi nhuận thấp và chi phí lãi vay tăng.

w-P11-chi-phi-lai-vay.jpg
Chi phí lãi vay cao đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: PM

“Gánh nặng chi phí lãi vay không được phân bổ đồng đều ở tất cả ngành. Một số lĩnh vực như công nghệ hoặc dịch vụ có yêu cầu về vốn thấp hơn do đó mức nợ thấp hơn thì các ngành thâm dụng vốn như bất động sản, xây dựng và sản xuất nặng thường có nợ cao hơn do đó nghĩa vụ lãi suất cao hơn” - TS Tùng nhận định.

Giảm cú sốc lãi vay

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải cho biết chi phí lãi vay cao có thể đến từ việc DN sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, tức vay quá nhiều, lãi suất vay quá cao. Khi chi phí lãi vay tăng sẽ khiến các DN rơi vào tình thế khó khăn nếu sử dụng quá nhiều vốn để trả nợ.

Trong một số trường hợp, DN muốn giảm tác động chi phí lãi vay tăng cao có thể chuyển sang các phương án cắt giảm chi phí khác như sa thải hoặc giảm lương nhân viên.

“Mặt khác, chi phí lãi vay tăng cũng báo hiệu DN đang chịu lãi suất cao. Lãi suất tăng cao, tốc độ tăng trưởng của DN chậm và thông thường họ phải giảm quy mô mở rộng kinh doanh để đảm bảo các khoản nợ ngắn hạn không vượt quá thu nhập sắp tới” - ông Hải nhận định.

TS Bùi Duy Tùng cho biết thêm NHNN đang rất nỗ lực để giảm lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân của các ngân hàng dự kiến sẽ giảm trong quý IV-2023 do tỉ trọng tiền gửi chi phí thấp trong cơ cấu vốn tăng cao. Lãi suất cho vay dự kiến sẽ giảm dần từ nay đến cuối năm và sang quý I-2024.

Mặc dù vậy, môi trường tài chính vẫn còn nhiều bất ổn, vẫn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên trong và cả bên ngoài. Trong bối cảnh lãi suất như vậy, các DN nên tích cực cơ cấu lại danh mục dự án thông qua mua bán và sáp nhập (M&A) hoặc chuyển nhượng cổ phần, giúp tạm thời giảm bớt các vấn đề về thanh khoản.

Đồng thời nhà kinh doanh nên xem xét đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình, tránh tập trung duy nhất vào một phân khúc mà thay vào đó nhắm đến các phân khúc thị trường phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng trung bình. Sự chuyển dịch này có thể mở ra những nguồn doanh thu mới cũng như giảm sự phụ thuộc vào các khoản vay lãi suất cao cho các dự án có giá trị cao.

Để tồn tại và hướng tới tăng trưởng bền vững, các công ty cũng cần phải thực hiện cơ cấu lại nợ. Điều này có thể liên quan đến việc bán lỗ các tài sản và hàng hóa để cơ cấu lại các khoản nợ, làm sạch hồ sơ tài chính nhằm tiếp cận tốt hơn với thị trường tín dụng và trái phiếu. “Mục tiêu là giảm bớt gánh nặng của các khoản vay lãi suất cao và giúp các công ty quản lý tài chính lành mạnh hơn” - TS Tùng khuyến nghị.

Lãi vay ăn mòn lợi nhuận

Nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19 là một trong những nguyên nhân khiến các DN gia tăng sử dụng đòn bẩy tài chính. Sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận đòi hỏi phải đầu tư đáng kể vào vốn lưu động, điều này đã ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán của DN.

Từ năm 2017 đến 2022, các khoản phải thu, hàng tồn kho và phải trả thương mại tăng trưởng nhanh gần gấp đôi doanh thu và lợi nhuận. Xu hướng này đặc biệt rõ rệt trong lĩnh vực bất động sản, dẫn đến nợ nần chồng chất và sự phụ thuộc vào nguồn tài chính ngắn hạn.

Các công ty, đặc biệt là trong các lĩnh vực như bất động sản và xây dựng, thường dựa vào đòn bẩy tài chính để đẩy nhanh tăng trưởng và phát triển. Sự phụ thuộc vào vốn vay dẫn đến các nghĩa vụ thanh toán nợ quá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.

TS BÙI DUY TÙNG, ĐH RMIT Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm