Đó là thông tin được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra tại hội nghị sơ kết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 26-12.
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, việc đối thoại với người lao động đã giúp giải quyết triệt để và kịp thời các kiến nghị của người lao động, tập thể người lao động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng mức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, tỉ lệ doanh nghiệp tổ chức triển khai còn thấp.
Thậm chí có doanh nghiệp đối phó với cơ quan quản lý nhà nước bằng cách lập biên bản đối thoại định kỳ, trong đó có đại diện của hai bên ký, đóng dấu nhưng nội dung biên bản ghi là “không có nội dung đối thoại”.
Trong các lần tổng kết thực hiện Bộ luật Lao động, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần linh hoạt trong quá trình đối thoại. Ảnh: VIẾT LONG
Ngoài ra, một số doanh nghiệp không tổ chức hội nghị người lao động lại đưa ra lý do về quy mô doanh nghiệp lớn, nhiều lao động, sản xuất bố trí ba ca liên tục nên không bố trí được thời gian tổ chức.
Nguyên nhân những tồn tại trên là do vai trò của công đoàn cơ sở chưa được phát huy, chưa thực sự chủ động trong việc đề xuất nội dung, yêu cầu để đối thoại, thương lượng tập thể, thực hiện vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người lao động…
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng việc quy định đối thoại định kỳ ba tháng/lần là cứng nhắc và thiếu linh hoạt đối với từng loại hình doanh nghiệp.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần xem xét giảm bớt số lần đối thoại định kỳ, không quy định cứng nhắc mà quy định linh hoạt hơn với số lần ít hơn và do doanh nghiệp quyết định. Tuy nhiên, việc đối thoại phải được tổ chức ít nhất sáu tháng/lần.