Ngày 22-7, Hội mã số mẫu vạch, Trung tâm tư vấn Phát triển thương hiệu và chất lượng tổ chức đối thoại cùng doanh nghiệp (DN) với chủ đềNhững khó khăn khi đăng kí xử lý tranh chấp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) hàng gian, hàng giả, mã số mã vạch, chất lượng hàng hóa.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM cho biết, thực tiễn cho thấy hầu hết DN chưa tìm hiểu kĩ về quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), không nhận thức tầm quan trọng cũng như các bước tiến hành đăng kí.
Về mã vạch, theo luật sư Hậu, một trong những vấn đề đáng chú ý gần đây là đăng kí mã vạch ghi trên bao bì xuất khẩu thì các nghị định 74, nghị định 132 quy định. Các quy định bổ sung yêu cầu DN thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để nhận được mã vạch nước ngoài khi sử dụng trên bao bì sản phẩm.
“Trong quá trình đăng kí sử dụng mã vạch DN ở các tỉnh thành chia sẻ họ chi trả nhiều chi phí như lãi vay, lưu kho, lưu bãi lô hàng…trong khi có rất nhiều đơn cần đúng thời gian với đối tác yêu cầu. Việc mất nhiều thời gian cho việc này, khiến các DN mất cơ hội xuất khẩu cũng như tìm kiếm khách hàng, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN”- luật sư Hậu nói.
Tháng 4-2022 lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa kiểm tra 5 kho chứa nghi hàng giả bán qua live stream. Ảnh: Tổng Cục quản lý thị trường |
Bên cạnh đó, ông Hậu cho biết hàng gian hàng giả là vấn đề rất bức xúc. Nhất là trong mùa dịch. Người tiêu dùng (NTD) giao dịch nhiều qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) nhận thấy tình trạng hàng gian, hàng giả hàng phổ biến trên tất cả các lĩnh vực.
Theo luật sư Hậu, hàng giả, hàng nhái tập trung vào thương hiệu lớn vì có lợi nhuận lớn. Với sự phát triển mạnh mẽ công nghệ hiện nay tem chống giả cũng bị làm giả nên NTD khó phân biệt được.
“Đây là sự trục lợi ảnh hưởng đến quyền lợi NTD. Từ đây, DN cần nâng cao trình độ công nghệ. Đồng thời, đặt ra vấn đề cần sửa đổi các quy định” -ông Hậu nói.
“Chúng tôi đề nghị sàn TMĐT sau khi bán hàng cho NTD từ sáu đến bảy ngày, nếu không có khiếu nại thì chủ sàn mới thanh toán cho người bán. Người mua có quyền đổi lại hàng hóa nếu phát hiện hàng hàng giả và người bán hàng phải chịu trách nhiệm”- ông Hậu nhấn mạnh.
Theo ông Hậu quy định pháp luật không thiếu như Nghị định 98 có thể xử phạt đến 50 triệu đồng…có chế tài nhưng xử lý còn nhiều bất cập.
Cùng nhìn nhận trên, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục hành chính quản trị II cho rằng, hàng gian, hàng giả, việc xử lý vẫn là vấn đề gây bức xúc cả với cơ quan quản lý nhà nước, DN lẫn NTD.
“Do đó, thời gian tới cần chung tay đẩy mạnh quản lý, xử lý, tăng cường tuyên truyền để có môi trường kinh doanh lành mạnh, tuân thủ luật pháp. DN chủ động hơn trong xây dựng thương hiệu, đăng kí SHTT, mã số, mã vạch"- ông Cường nói.
Thống kê năm 2021, có 8.535 hồ sơ đăng kí được nộp bởi người Việt Nam và nước ngoài, trong đó có 3.691 bằng độc quyền sáng chế.