Doanh nghiệp TP.HCM có nhiều kiến nghị về dự Luật Đấu thầu (sửa đổi)

(PLO)- Đại diện phía doanh nghiệp TP.HCM cho rằng Luật đấu thầu (sửa đổi) cần quy định rõ việc chỉ định thầu cũng như trách nhiệm, cơ chế, quy trình bù chi phí khi hủy thầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 5-5, Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật đấu thầu (sửa đổi). Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Hà Phước Thắng chủ trì hội nghị.

Theo ông Thắng, đây là dự án Luật có vai trò quan trọng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực hoạt động tại TP.HCM; nhất là các vấn đề liên quan đến luật đấu thầu trong lĩnh vực y tế.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Hà Phước Thắng chủ trì hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Hà Phước Thắng chủ trì hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

Ông Hà Phước Thắng cho rằng, các đại biểu cần góp ý để hạn chế thấp nhất những vướng mắc khi thực hiện trong thời gian tới.

Phải quy định cụ thể khi hủy thầu

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM cho rằng, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy trình về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật.

Đồng thời, cần rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết trong đấu thầu; luật hóa các quy định về đấu thầu qua mạng nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này.

Về điều kiện đối với cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu, ông Huy cho rằng quy định nhà thầu, nhà đầu tư là cá nhân phải có chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định của pháp luật là chưa cụ thể. Vì vậy, cần quy định rõ về nội dung này trong Luật để bảo đảm thuận lợi khi tổ chức thực hiện.

Doanh nghiệp TP.HCM có nhiều kiến nghị về dự Luật Đấu thầu (sửa đổi) ảnh 2

Ông Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM góp ý về luật đấu thầu dưới góc độ doanh nghiệp. Ảnh: THANH TUYỀN.

Về nội dung hủy thầu và trách nhiệm hủy thầu, theo ông Huy, Khoản 4 Điều 17 mà Dự thảo quy định là chưa rõ về cơ chế đến bù chi phí.

“Các khoản đền bù trong trường hợp huỷ thầu bao gồm các khoản nào chưa được cơ quan soạn thảo làm rõ. Cùng đó, quy định này là quy định về khoản bồi thường thiệt hại như quy định của pháp luật dân sự hay một cơ chế riêng biệt theo Luật Đấu thầu? Các bên liên quan phải khởi kiện ra tòa hay là theo trình tự thủ tục nào?”- ông Huy nêu.

Ông cho rằng, đây là quy định quan trọng, góp phần tạo tính cạnh tranh, minh bạch của hoạt động đấu thầu và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham dự thầu.

Vì vậy, ông đề nghị bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm, cơ chế, quy trình, thủ tục đền bù chi phí cho các bên liên quan khi hủy thầu.

Cần có nguyên tắc xác định nguồn vốn

Về quy định đấu thầu trong mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, ông Huy nói cần có nguyên tắc xác định nguồn vốn, căn cứ lập kế hoạch đối với gói thầu mua sắm thuốc tập trung.

“Không nên để đơn vị có nhu cầu mua sắm quyết định toàn bộ nguồn vốn để thanh toán khi xác định nguồn vốn trong mua sắm tập trung, khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu vì tạo ra quyền quá lớn trong việc chi thanh toán tiền trong việc mua sắm thuốc tập trung. Nguồn tiền thanh toán có thể xuất phát từ vốn ngân sách nhà nước, nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu của cơ sở y tế… rất dễ xảy ra tiêu cực”- ông Huy nêu.

Từ đó, ông đề nghị bổ sung quy định theo hướng công khai giá của các mặt hàng; đặc biệt là thuốc, vật tư, trang, thiết bị y tế lên sàn mua bán do nhà nước quản lý, đồng thời nhà nước quy định về lợi nhuận định mức của nhà cung cấp. Trên cơ sở đó, các đơn vị mua sắm có thể thực hiện mua ngay được hàng hóa mà không cần thiết phải đấu thầu.

Ông cũng đề xuất cần bổ sung quy định Chính phủ nâng cấp đấu thầu tập trung cấp quốc gia riêng cho ngành y tế; thành lập các trung tâm đấu thầu cấp khu vực, vùng, miền để không còn đấu thầu nhỏ lẻ tại địa phương. Đối với đấu thầu tập trung chỉ nên áp dụng cho các gói thầu có giá từ 10 tỉ đồng trở lên.

Cân nhắc về chỉ định thầu

Một vấn đề khác được đại diện phía các doanh nghiệp đưa ra là phần lớn các nhà đầu tư hiện nay không dám thực hiện chỉ định thầu vì nhiều quy định ràng buộc. Nếu chỉ định nhà thầu tiềm lực tài chính, năng lực đều tốt nhưng giữa chừng không hoàn thành dự án thì trách nhiệm của chủ đầu tư rất lớn.

Vì lẽ đó, hiện nay các dự án lớn đề nghị chỉ định thầu thì hầu như không ai dám chỉ định mà phải tổ chức đấu thầu, mặc dù đấu thầu thì tỷ lệ thầu rất thấp; thậm chí có những trường hợp chỉ dưới 1% mà vẫn phải làm bởi sẽ không bị trách nhiệm gì về mặt pháp lý.

“Cần có sự cân nhắc quy định rõ ràng, cụ thể để các chủ đầu tư dám chỉ định thầu. Bên cạnh đó, chỉ định thầu cũng phải có giảm giá, nếu tỷ lệ đấu thầu chỉ dưới 1% thay vì giảm giá 5%, 10% sẽ có lợi ích hơn, tại sao chúng ta không thực hiện mà chúng ta lại tổ chức đấu thầu”- ông Huy cho hay.

Đại diện phía doanh nghiệp nói thêm, có nhiều dự án đấu thầu, đặc biệt là những dự án mua sắm trang thiết bị y tế, mua sắm trang thiết bị dụng cụ học tập, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ văn phòng tỷ lệ đấu thầu rất thấp. Vì vậy, cần cân nhắc quy định để đảm bảo việc được chỉ định thầu nhưng được giảm giá thay vì tổ chức đấu thầu.

Ông Huy nói thêm, hiện các vướng mắc trong đấu thầu chủ yếu ở khu vực công lập nhà nước.

"Vướng mắc là do tổ chức thực hiện bởi vì từ khi xây dựng hồ sơ mời thầu đã tính làm sao để cho đơn vị này phải trúng thầu, phải ra những điều khoản gì, rồi là bao thầu... dẫn đến phức tạp, khó khăn"- ông Huy góp ý.

Cần tăng quyền tự chủ, tự quyết định cho doanh nghiệp

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, tại khoản 2 điều 2, ngành Công an TP.HCM lựa chọn điểm a, phương án 1 về hoạt động lựa chọn nhà thầu.

Ông Hà cho rằng, việc này sẽ tăng thẩm quyền tự chủ, tự quyết định kinh doanh của doanh nghiệp và phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn nhà nước với chức năng quản lý chung với doanh nghiệp.

Doanh nghiệp TP.HCM có nhiều kiến nghị về dự Luật Đấu thầu (sửa đổi) ảnh 3

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM góp ý tại hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM cũng đồng tình thực hiện theo phương án 1.

“Khi các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần, vốn góp đã được giao cho người đại diện vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp nhà nước tại doanh nghiệp quyết định và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh”- ông Huy nêu ý kiến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm