Doanh nhân Việt không thích kết bạn với 'ông hàng xóm'

Tại hội thảo "Vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, nhìn nhận nhiều doanh nghiệp đi ra nước ngoài hội nhập nhưng với ông hàng xóm, nghĩa là giữa các doanh nghiệp nội địa lại không liên kết.
Ông Long dẫn chứng tại TP.HCM có các cảng trọng điểm, cách nhau khoảng 30 km nhưng cũng chưa có sự liên kết. "Tôi nhớ có một câu chuyện lý giải tại sao lại có kem quế.
Đơn giản thế này, trong một hội chợ, có một ông bán bánh quế và một ông bán kem đứng gần nhau. Trời hôm đó khá nóng nên kem bán chạy. Khách đến quầy kem ngày càng đông nên ông bán bánh quế thấy vậy chạy sang giúp.
Bán một hồi thì hết ly đựng, không biết xử lý bằng cách nào, vậy là ông bán bánh quế quyết định sử dụng bánh quế đựng kem. Ai ngờ sự kết hợp giữa kem và bánh quế lại khá ngon, khách hàng mua nhiều hơn dù lúc đó giá trở nên đắt hơn. Liên kết có thể hiểu đơn giản như vậy" - ông Long nói.
Ông Nguyễn Hồng Long cũng chia sẻ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn vừa qua, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém, thua lỗ, còn để xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước. Việc cơ cấu lại các doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, các dự án doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả ở nhiều nơi còn chậm nên hậu quả ngày càng nghiêm trọng.
Theo ông Long, để khắc phục các hạn chế của doanh nghiệp nhà nước đã nêu cần phải đổi mới, tái cơ cấu để đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu trong thời gian tới Nhà nước sẽ tách nhiệm vụ công ích ra khỏi hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị để đảm bảo doanh nghiệp nhà nước là công cụ để thúc đẩy các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế quốc dân cùng phát triển.   
Ông Đào Xuân Tuế, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính, cho biết doanh nghiệp nhà nước ngoài nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh ra thì còn đảm nhiệm rất nhiều trọng trách khác. Trong đó có làm các nhiệm vụ công ích, các nhiệm vụ an ninh quốc phòng... Và vì “vừa xay lúa vừa ẵm em” dẫn tới việc khó có thể hoạt động một cách hiệu quả. Muốn các doanh nghiệp nhà nước hiệu quả dần phải hướng tới việc giảm các nhiệm vụ công ích để tập trung vào các nhiệm vụ chính.
Chính vì việc các doanh nghiệp nhà nước đang phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ như thế, Đảng và Nhà nước đã có chính sách và cơ chế tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. Nếu năm 1986 cả nước mới có 12.000 doanh nghiệp nhà nước thì đến năm 2011, còn 6.000 và đến thời điểm hiện tại còn 569 doanh nghiệp hoạt động trong 11 lĩnh vực then chốt liên quan đến hạ tầng doanh nghiệp.
Về các lĩnh vực liên quan đến dịch vụ, về cơ bản thì đã cổ phần hóa. Đổi mới và sắp xếp lại các doanh nghiệp với mục tiêu rằng để hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, chứ cổ phần hóa và thoái vốn không phải mục tiêu, mà nó là công cụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm