Tại Việt Nam, nghề nuôi kiến còn khá mới lạ, thế nhưng với ưu thế dễ chăm sóc, dễ nuôi, lại ít tốn chi phí thức ăn, nghề này ngày càng được nhiều người quan tâm.
Nuôi kiến đòi hỏi đam mê và kiên nhẫn
Anh Nguyễn Tấn Minh Nhựt, sinh năm 1991, ngụ phường An Lạc, quận Bình Tân được nhiều người biết đến với món nghề nuôi kiến độc lạ.
Anh Nhựt cho biết, trước đây bản thân từng làm qua nhiều nghề, chủ yếu là buôn bán, sau này bén duyên với nghề nuôi kiến nên anh đã gắn bó tới tận bây giờ.
Kiến dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là chất đạm lấy từ côn trùng như sâu, gián, dế, một số loại có thể ăn hạt. Người nuôi kiến cũng không cần thiết tốn nhiều thời gian chăm thường xuyên, có dòng kiến khoảng 1 tháng cho ăn 1 lần nhưng vẫn có thể sinh trưởng.
Anh Nhựt chia sẻ rằng, chủ yếu kiến thức nuôi kiến mà anh có được là nhờ tìm hiểu trên mạng internet, các hội nhóm nuôi kiến trên thế giới và từ kinh nghiệm mà anh tự đúc kết được.
Anh Nhựt cho hay trước khi kinh doanh kiến cảnh và tank cho những khách hàng có cùng chung sở thích, anh nuôi kiến là để thỏa mãn đam mê. Cửa hàng của anh hiện đang kinh doanh có khoảng 100 dòng kiến, được lấy chủ yếu từ những vùng hoang dã, vùng núi.
Giá một chiếc hộp nuôi kiến (tank) dao động từ 200.000 đồng đến vài triệu đồng/bộ, giá kiến dao động từ 50.000 đồng đến 70 triệu đồng/đàn, tùy vào độ hiếm của từng dòng.
“Tank có đa dạng chủng loại, có loại cho các nhóm kiến chuyên biệt, có loại dành riêng cho độ tuổi khác nhau của đàn kiến, ngoài ra tôi còn phải xem nhu cầu của người chơi. Bởi đây là sản phẩm có tính thủ công, nghệ thuật nhiều nên không thực sự có chuẩn mực nào trong việc thiết kế tank”, anh Nhựt bày tỏ.
Khi thiết kế tank, anh Nhựt đã trải qua nhiều lần thử nghiệm, rồi thất bại, nhưng sau đó anh rút ra được nhiều bài học và kiên trì sửa đổi, cải tiến mỗi ngày để mang lại thành phẩm chất lượng.
Mỗi dòng kiến sẽ có những đặc điểm riêng về điều kiện tự nhiên, thời gian sinh trưởng, nhiệt độ, độ ẩm. Chẳng hạn như có dòng kiến đòi hỏi đất, cát trong môi trường sinh sống, có dòng đòi hỏi độ ẩm cao, không thích sự quấy rầy,… Nếu người chơi không nắm rõ thì kiến sẽ phát triển không hoàn chỉnh.
Theo anh Nhựt, nuôi kiến cần sự kiên nhẫn, phải biết tập tính của các loài, không phải cứ chăm, cứ mở tổ ra thường xuyên thì kiến sẽ phát triển tốt.
Các loại đồng hồ đo đạc, ẩm kế hoặc nhiệt kế được sử dụng để xác định các thông số phù hợp cho môi trường nuôi kiến. Nhưng khi đã có kinh nghiệm lâu năm thì anh có thể tự ước lượng.
Đặc biệt, là một người nuôi kiến chuyên nghiệp nên mặc dù có tới hàng trăm dòng kiến, anh Nhựt vẫn nhớ và ưu tiên sử dụng tên khoa học cho các dòng, bởi vì nó mang lại độ chính xác cao hơn những cái tên thông thường.
"Ai lại mua kiến về nuôi?"
Nhớ về những ngày mới nuôi kiến, anh Nhựt trải lòng: “Để bắt đầu mô hình kinh doanh kiến cảnh này thì số vốn tôi dành ra là khoảng 50 triệu đồng, dùng để chi trả cho các loại máy móc, trang thiết bị, tiền nhập kiến,…Tất nhiên bản thân tôi cũng sẽ phải bỏ ra thêm một khoảng thời gian đáng kể”.
Thời gian đầu còn khó khăn, trong nước lại không mấy ai mặn mà với thú chơi kiến, nên anh Nhựt phải tự mày mò, tự học cách làm, dần dần rồi tự tích lũy cho mình kinh nghiệm để nuôi kiến.
Về ưu điểm, nuôi kiến không tốn quá nhiều công sức và tiền bạc như các loài động vật khác. Kiến sạch sẽ, có tập tính tự vệ sinh, ít mang mầm bệnh. Thế nhưng thú vui này còn khá mới lạ, vẫn chưa được đông đảo mọi người đón nhận.
Ở Việt Nam, cộng đồng chơi kiến vẫn chưa thực sự lớn mạnh, thế nên vẫn còn nhiều dè bỉu và nghi hoặc kiểu: “Ai lại mua kiến về nuôi?”
Trao đổi chủ yếu diễn ra trên Facebook, nhiều khi anh Nhựt không biết được khách hàng là những bạn nhỏ tuổi, tới lúc mua bán xong thì mới tá hỏa vì phụ huynh gọi điện tới mắng vốn: “Bắt mấy con kiến, bán người ta mấy trăm ngàn, gạt con nít hả?”
Cũng vì đó mà sau này khi trò chuyện với khách hàng, anh Nhựt đều dò hỏi cẩn thận để tránh những hiểu lầm không đáng có.
Ngoài ra, anh Nhựt còn gặp nhiều khó khăn về thu nhập, do trong nước vẫn còn ít người chơi nên đồng vào cũng chỉ đủ trang trải. Thậm chí có ngày anh không bán ra được gì.
Thế nhưng đối với anh, nuôi kiến không đơn thuần là thú vui, mà còn là sự nghiên cứu, khám phá, mang lại nhiều giá trị.
Nói về những niềm vui trong nghề nuôi kiến, anh Nhựt bồi hồi: “Có nhiều hôm nhóm anh em chơi kiến sẽ tụ họp lại, từ chỗ không quen biết nhau nhưng có cùng sở thích, rồi dần kết nối, đối xử với nhau chân thành, thoải mái. Một khi là đam mê thì người ta không còn nặng về tài chính, mà sẽ nhận lại những giá trị lớn hơn nhiều, đó là những mối quan hệ.”