Ngày 29-5, Bộ TT&TT đã công bố chi tiết đổi thuê bao 11 số thành 10 số của năm nhà mạng gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone, Gtel và Vietnamobile.
60 triệu thuê bao bị ảnh hưởng
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải dẫn báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông cho thấy hiện nay có khoảng 60 triệu thuê bao di động 11 số và 700 thuê bao VSAT bị tác động khi chuyển đổi SIM 11 số về 10 số.
“Trong quá trình triển khai, xây dựng và ban hành kế hoạch mới, Bộ TT&TT triển khai đúng quy trình văn bản, pháp luật; lấy ý kiến doanh nghiệp, nhân dân, các cơ quan liên quan trước khi ban hành quy hoạch kho số. Sau đó ban hành kế hoạch chuyển đổi mã mạng” - Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết thêm.
Cụ thể, tất cả 10 số của thuê bao di động 10 số vẫn giữ nguyên không thay đổi. Trong khi bảy số cuối của thuê bao 11 số và thuê bao VSAT (mã để gọi giữa các trạm thông tin vệ tinh mặt đất) vẫn giữ nguyên, và chỉ thay đổi mã mạng. Ví dụ, muốn gọi tới số thuê bao 11 số của VinaPhone là 0123.4567890 thì sau khi chuyển sang 10 số sẽ quay 083.4567890. Nghĩa là chỉ thay mã mạng cũ (123) sang mã mạng mới (83).
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ TT&TT, khi đổi số thuê bao, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải thông báo trước 60 ngày đến các thuê bao trên phương tiện thông tin đại chúng và cho phép gọi đồng thời cách cũ và cách mới trong vòng 60 ngày.
Bên cạnh đó, nhà mạng sẽ phải duy trì âm thông báo trong thời gian khoảng 7,5 tháng kể từ thời điểm kết thúc quay số song song. “Trong thời gian này, các cuộc gọi quay số theo cách mới vẫn tiến hành bình thường, còn cuộc gọi quay số theo cách cũ sẽ nhận được âm báo bằng tiếng Việt và tiếng Anh để hướng dẫn quay theo cách mới. Điều này sẽ giảm thiểu ảnh hưởng cho khách hàng trong quá trình diễn ra đổi số thuê bao” - lãnh đạo Bộ TT&TT nói.
Sau 30-6-2019, các cuộc gọi tới thuê bao 11 số chỉ thực hiện được nếu người gọi quay số theo mã mạng mới. Ảnh: MINH ANH
Hạn chế tối đa tác động
Tại cuộc họp, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, thừa nhận các sản phẩm có gắn với mã mạng như card visit, bao bì, biển quảng cáo..., các số điện thoại lưu giữ trong danh bạ điện thoại di động... đều chịu sự tác động khi chuyển đổi SIM 11 số về 10 số.
Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định việc chuyển đổi mã mạng dù có tác động đến doanh nghiệp viễn thông và người sử dụng nhưng cần thiết và đem lại lợi ích lâu dài cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Do vậy, Bộ TT&TT và các doanh nghiệp viễn thông thực hiện những biện pháp thông tin, tuyên truyền kết hợp các biện pháp kỹ thuật để hạn chế tối đa tác động.
Giá SIM đẹp rao bán 2 tỉ đồng Trước thông tin chuyển đổi số thuê bao 11 số về 10 số của năm nhà mạng, thị trường SIM số đẹp đã có chuyển biến mạnh. Báo Lao Động dẫn lời anh Tuấn Anh, chủ đại lý SIM rải khắp miền Bắc, cho biết: Từ khi có thông tin chuyển đổi thuê bao di động 11 số về 10 số, giá SIM VIP đầu 11 tăng đột biến. Có những số thuê bao đẹp tăng giá 400 lần so với thời điểm trước đó. Điển hình số thuê bao 01999595959 mua vào thời điểm tháng 8-2015 có giá là 8 triệu đồng nhưng từ khi có thông tin chuyển đổi về 10 số thì thuê bao này được chào bán với giá gần 500 triệu đồng. Số lục quý 0168333333 có giá 120 triệu đồng vào thời điểm năm 2016 thì giờ có giá không dưới 2 tỉ đồng. |
“Vì sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, nhiều loại hình dịch vụ viễn thông ra đời như 2G, 3G, 4G, 5G... Do vậy cần thiết phải điều chỉnh kho số để đáp ứng xu thế phát triển lâu dài cho thị trường viễn thông, đáp ứng nhu cầu phát triển, phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0, tránh tình trạng thiếu kho số” - ông Trần Mạnh Tuấn giải thích.
Trước câu hỏi về việc phân bổ các mã mạng mới đối với các nhà mạng được thực hiện theo tiêu chí thế nào, ông Tuấn giải thích: Bộ TT&TT đã làm việc nhiều lần với các nhà mạng và đưa ra nhiều phương án khác nhau. Ban đầu nhà mạng cũng thích mã này, mã kia; người sử dụng cũng phân biệt mã đẹp, mã xấu. Tuy nhiên, đối với cơ quan quản lý nhà nước và theo quy định thì không có phân biệt đẹp, xấu.
Cam kết không để khách giận dỗi
Đề cập đến vai trò hỗ trợ các nhà mạng trong quá trình chuyển đổi của khách hàng, đại diện nhà mạng VinaPhone cho hay: Trong bối cảnh cạnh tranh, VinaPhone cũng như các nhà mạng đều bảo vệ khách hàng bằng các giải pháp kỹ thuật, truyền thông thuận lợi nhất để “khách hàng không giận dỗi bỏ đi các nhà mạng khác”.
Trong khi đó, MobiFone cho hay sẽ tiến hành tất cả giải pháp để người dùng nhận thấy việc chuyển đổi mã mạng đơn giản. “Trong khoảng thời gian ba tháng tới đây, MobiFone sẽ nỗ lực thực hiện các giải pháp phù hợp nhất” - nhà mạng này hứa.
Đại diện Viettel cũng có cam kết tương tự, đồng thời tiết lộ Viettel đang xây dựng hệ thống phần mềm để hỗ trợ như trước đây từng hỗ trợ chuyển đổi mã vùng tự động thông qua ứng dụng My Viettel.
SIM 11 số được chuyển đổi như thế nào Theo Bộ TT&TT, thuê bao 11 số của mạng Viettel gồm các đầu số 0162, 0163, 0164, 0165, 0166, 0167, 0168, 0169 sẽ chuyển thành 032, 033, 034, 035, 036, 037, 038, 039. Thuê bao 11 số của mạng MobiFone gồm các đầu số 0120, 0121, 0122, 0123, 0126, 0128 sẽ chuyển thành 070, 079, 077, 076, 078. Thuê bao 11 số của mạng VinaPhone gồm các đầu số 0123, 0124, 0125, 0127, 0129 sẽ chuyển thành 083, 084, 085, 081, 082. Thuê bao 11 số của Vietnamobile và Gtel sẽ chuyển sang thuê bao 10 số, đầu số 05x. Cụ thể, thuê bao 11 số 0188, 0186 của Vietnamobile sẽ được đổi sang đầu số 056, 058. Thuê bao 11 số 0199 của Gtel sẽ được đổi sang đầu số 059. Theo Bộ TT&TT, việc chuyển đổi mã mạng được chia thành ba giai đoạn. Thứ nhất là thời gian quay số song song (áp dụng cả cách quay số cũ và mới), từ 0 giờ ngày 15-9 đến hết ngày 14-11. Trong khoảng thời gian này, các cuộc gọi quay số theo mã mạng cũ hay mới thì cuộc gọi đều thành công. Giai đoạn 2, từ 0 giờ ngày 15-11-2018 đến hết ngày 30-6-2019, cuộc gọi theo mã mạng mới được tiến hành bình thường. Các cuộc gọi theo mã mạng cũ sẽ nhận được thông báo bằng tiếng Anh và tiếng Việt cho biết mã mạng đã thay đổi và hướng dẫn quay số theo mã mạng mới. Giai đoạn 3, sau ngày 30-6-2019, thông báo này sẽ kết thúc, cuộc gọi sẽ chỉ thực hiện thành công khi người sử dụng quay số theo mã mạng mới. |