Đối mặt án tử, Phạm Trung Kiên khóc xin lỗi nhân dân, xin 'có cơ hội trở về'

(PLO)- Tự bào chữa, bị cáo Phạm Trung Kiên, người bị VKS đề nghị mức án tử hình đã bật khóc xin HĐXX cho hưởng án tù, có cơ hội trở về.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-7, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án chuyến bay giải cứu đối với 54 bị cáo.

Trong đó, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị cáo buộc đã nhận hối lộ 253 lần, tổng số tiền hơn 42 tỉ đồng trong quá trình cấp phép chuyến bay.

Trong phần luận tội, VKS đánh giá hành vi của bị cáo nhận hối lộ nhiều nhất, thủ đoạn trắng trợn nhất và đề nghị mức án tử hình.

Sau phần bào chữa của luật sư, bị cáo Phạm Trung Kiên tự bào chữa, xin thừa nhận hành vi của bản thân và ''xin lỗi lãnh đạo Đảng, Chính phủ và nhân dân''.

Bị cáo Phạm Trung Kiên. Ảnh: Phi Hùng

Bị cáo Phạm Trung Kiên. Ảnh: Phi Hùng

Tuy nhiên, bị cáo Kiên cho rằng bản thân không thể làm chậm tiến độ công việc cấp phép chuyến bay, làm ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của DN.

Bị cáo Kiên giải thích: ''Trong tổ công tác 5 Bộ, các lãnh đạo Bộ có nhóm viber để trao đổi thông tin. Khi Bộ Ngoại giao có công văn gửi các bộ lấy ý kiến thì anh Dũng (cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng-PV), anh Tùng (cựu Cục phó Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng -PV) đều thông báo trên nhóm là: Ngày hôm nay Bộ Ngoại giao phát hành văn bản xin ý kiến, đề nghị các Bộ quan tâm sớm có ý kiến. Gần đến ngày trả lời, còn Bộ nào chưa trả lời thì các anh lại nhắc đề nghị khẩn trương trả lời cho Bộ Ngoại giao''.

Về nội dung bị cáo Kiên bắt ép DN chi tiền, bị cáo Kiên nói rằng các trường hợp DN đưa tiền cho bị cáo đều là sau khi được cấp phép chuyến bay. Phạm Trung Kiên lấy ví dụ trường hợp bị cáo Lê Văn Nghĩa, Công ty Nhật Minh gọi điện cho bị cáo sau khi Bộ Y tế đã ban hành văn bản chấp thuận chuyến bay.

Bị cáo Nghĩa bảo với Kiên là ''anh đang ở Khánh Hòa, anh biết em và Bộ Y tế tạo điều kiện nhưng chưa ra được''. Một tháng sau, bị cáo Nghĩa ra gặp bị cáo Kiên và có chuyển tiền cám ơn.

Còn bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh ở Công ty Lữ hành Việt cũng tương tự như vậy. Theo lời bị cáo Kiên thì bị cáo Mạnh còn trình bày: ''Em và Bộ Y tế giúp anh có chuyến bay nhưng những chuyến trước được phê duyệt rồi mà không tổ chức được chuyến bay. Các trường hợp này thôi thì bỏ qua, sau này có trường hợp nào thì anh gửi em''.

Tương tự, các bị cáo Phan Thị Mai, Vũ Minh Thắng cũng như vậy, sau khi được cấp phép nhiều chuyến mới đến gặp bị cáo Kiên. ''Khi chị Mai bảo chị gửi chút kinh phí, thì bị cáo gửi số tài khoản'', Kiên nói.

''Bị cáo có nhận tiền nhưng bị cáo không ép buộc, bắt DN đóng tiền''- bị cáo Kiên khẳng định.

Bị cáo Kiên còn trình bày: ''Nhiều chủ DN như Trần Hồng Hà, Phạm Bích Hằng chỉ chuyển 100, 200 triệu đồng trên rất nhiều chuyến bay và sau khi Bộ Y tế đã cấp phép. Đưa bao nhiêu thì bị cáo nhận bấy nhiêu''.

Số tiền 15 tỉ đồng liên quan đoàn khách lẻ, sau khi bị cáo Kiên nhận thức sai lầm, nhận thức hành vi của mình phạm tội, bị cáo đã chủ động khai nhận. Từ đó đến trước phiên tòa, bị cáo Kiên tích cực phối hợp CQĐT để làm rõ hành vi của bản thân và các bị cáo khác, do đó ''bị cáo xin xem xét tình tiết này để được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ''.

Cũng tại tòa, bị cáo Kiên nói thời điểm dịch bệnh, bị cáo Kiên tháp tùng Thứ trưởng đi các vùng chống dịch, bị cuốn vào guồng công việc và không nhận thức được hành vi sai trái. Sau này gia đình mới biết hành vi của bị cáo và gia đình tích cực nộp số tiền, bị cáo mong khắc phục 100% để được hưởng khoan hồng.

Nói đến đây, bị cáo bật khóc và nghẹn ngào không nói nên lời: ''Xin HĐXX xem xét cho bị cáo hưởng mức án tù, để có cơ hội trở về ạ…''

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm