Đội tuyển Việt Nam không “thả” AFF Cup

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau hơn một năm không đá giải quốc tế nào do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, bản hợp đồng tái ký hai năm của ông thầy người Hàn Quốc không có quá nhiều mục tiêu phải gặt hái. Hồi đầu năm nay, HLV Park Hang-seo đã hứa hẹn trong 24 tháng tiếp theo sẽ dốc sức bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup và giữ chiếc huy chương vàng SEA Games. Tuy nhiên, SEA Games 31 đã dời đến quý II-2022 và hiện chỉ còn AFF Cup diễn ra vào tháng 12-2021 là mục tiêu lớn nhất của đội tuyển Việt Nam.

Lịch dẫn dắt đội tuyển và U-23 của thầy Park dày đặc. Ảnh: VFF

Sau khi có kết quả bốc thăm, có nhiều ý kiến cho rằng ông Park cần chia đều lực lượng ra chơi AFF Cup với những đối thủ dưới cơ tại vòng bảng để còn giữ sức cho mặt trận vòng loại cuối cùng cúp thế giới. Điều này có nghĩa thầy Park cần sử dụng nhiều hơn các cầu thủ dưới 23 tuổi đá giải Đông Nam Á, cũng là cách giữ gìn cho lứa đàn anh có thể gặp nguy cơ quá tải khi căng mình tại vòng loại World Cup.

Thế nhưng sẽ rất khó để thầy Park “thả” AFF Cup khi chơi bằng các cầu thủ trẻ. Đầu tiên là lời hứa bảo vệ chức vô địch có thể là dấu ấn cuối của ông với bóng đá Việt Nam. Thứ nữa, ông Park cần giữ tiếng tăm cho mình, bất kể khi chia tay hoặc tiếp tục gắn bó thêm một năm tự động gia hạn.

Cuối cùng là VFF không bao giờ thỏa hiệp với phương án đầu tư cho tương lai bằng lứa trẻ khoác áo tuyển quốc gia ở AFF Cup do sức ép thành tích lớn và không thể thuyết phục cấp trên lẫn người yêu bóng đá. Đấy là một canh bạc năm ăn năm thua rất mạo hiểm của người trong cuộc. Bởi nếu tiếp tục đoạt cúp, ông Park và VFF sẽ được tung hô lên tận mây xanh với tài dụng binh sáng suốt, còn ngược lại chắc chắn gặp chỉ trích nặng nề.

Chính ông Park cũng từng chia sẻ giới hâm mộ Việt Nam rất cuồng nhiệt, rất yêu bóng đá nhưng là yêu những trận thắng. Thói quen của ông Park học hỏi từ ông thầy lão luyện Guus Hiddink cũng là phải chơi để giành chiến thắng bằng mọi giá, bất chấp giao hữu hay đá giải chính thức. Cho nên cả thầy Park và VFF đều không ngây thơ đánh cược sự nghiệp lẫn những chiếc ghế tín nhiệm của mình để chơi thiếu toan tính, dù không phải lúc nào tận dụng tối đa sức cầu thủ cũng là cách tối ưu.

Dĩ nhiên, ông Park đã lường hết mọi diễn biến của các cuộc chơi và tìm tòi phương án khả dĩ nhất. Ví như ông đã đưa gần nửa đội hình trụ cột của đội U-23 Việt Nam lên tuyển quốc gia để học việc và tích lũy kinh nghiệm cho tương lai gần. Có thể ông Park không quá táo bạo cho lứa trẻ gánh vác nhiệm vụ thay đàn anh nhưng sẽ cài cắm vào đội hình, giúp họ trưởng thành để vừa bảo đảm mục tiêu vô địch vừa không bị mang tiếng vắt kiệt sức học trò.•

 

Ông Park “xay gạo” xong là “bế em”

Từ đầu tháng 10 và tháng 11-2021, ông Park sẽ dẫn dắt chính đội tuyển Việt Nam đá bốn trận vòng loại thứ ba World Cup 2022, cho đến đầu tháng 12-2021 vắt qua tháng 1-2022 là chiến dịch AFF Cup. Lịch thi đấu dồn dập là những thách thức không nhỏ với đội tuyển Việt Nam. Nhưng ngay từ cuối tháng 10, ông thầy người Hàn lại nhảy qua nắm đội U-23 cho vòng loại U-23 châu Á. Lịch thi đấu dày đặc trong ba tháng sẽ làm thầy Park mất nhiều sức vì phải “vừa xay gạo vừa bế em”.

Sắp tới, đội tuyển Việt Nam có hai trận làm khách trước Trung Quốc (chọn sân nhà ở UAE, ngày 7-10) và Oman (ngày 12-10). Cùng thời điểm, đội tuyển U-23 Việt Nam ngày 8-10 sẽ sang UAE tập huấn cho vòng loại U-23 châu Á tổ chức tại Kyrgyzstan. Vì thế, ông Park ngay sau trận gặp Oman của đội tuyển quốc gia là chia tay học trò để sang UAE cầm đội trẻ U-23 chỉ đạo hai trận gặp Đài Loan (ngày 27-10) và Myanmar (ngày 2-11). Xong hai trận này, ông Park tiếp tục trở lại tuyển quốc gia chuẩn bị hai trận đá với Nhật Bản và Saudi Arabia vào đầu tháng 11. TT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm