Sau các trận động đất xảy ra liên tiếp tại huyện Kon Plông (Kon Tum), Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai (BCĐ) yêu cầu thủy điện Thượng Kon Tum phải dừng tích thêm nước. Ngày 19-4, BCĐ cũng tổ chức cuộc họp để ứng phó với tình hình này.
Nghi ngờ do thủy điện tích nước
Tại cuộc họp, đại diện UBND xã Măng Bút, huyện Kon Plông, nơi liên tiếp xảy ra động đất mấy ngày qua, cho biết từ ngày 15-4 đến nay trên địa bàn xã xảy ra nhiều đợt rung chấn. Lần mạnh nhất là lúc 12 giờ 55 ngày 18-4. Rất may chưa có thiệt hại nhưng tâm lý nhân dân trên địa bàn xã rất hoang mang.
Lãnh đạo UBND huyện Kon Plông cho biết thêm sau trận rung chấn lớn vào trưa 18-4 đã có tiếng nổ lớn trong lòng đất. “Qua cuộc họp hôm nay, chúng tôi sẽ nắm thêm thông tin để tuyên truyền cho bà con yên tâm lao động, sản xuất” - lãnh đạo UBND huyện Kon Plông nói.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: AH |
Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (VLĐC), cho hay theo đánh giá sơ bộ, khả năng đây là động đất kích thích. Nghĩa là do đập thủy điện hay tác nhân nào đó tác động vào, kích hoạt tạo ra động đất. Gần đây thủy điện Thượng Kon Tum có tích nước, sau đó liên tiếp xảy ra các trận động đất. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác vẫn cần có nghiên cứu bài bản.
“Với tình huống hiện tại cần tiếp tục quan trắc hoạt động động đất, nghiên cứu các đứt gãy ở khu vực và vấn đề tích nước của các hồ” - ông Xuân Anh nhấn mạnh, đồng thời nhận định tại huyện Kon Plông thời gian tới có thể có động đất với độ lớn 5-5,5 độ Richter. Tuy nhiên, để có kết luận đầy đủ thì vẫn cần thêm thời gian nghiên cứu.
Yêu cầu thủy điện dừng tích nước
Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng BCĐ, đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến động đất, cả về cường độ và tần suất.
Ông đề nghị Viện VLĐC tiếp tục cung cấp thông tin một cách nhanh chóng để kịp thời ứng phó nếu có sự cố xảy ra. “Đề nghị Viện VLĐC rà soát hệ thống cảnh báo động đất và sóng thần mà chúng ta đã xây dựng. Hiện chúng ta có 54 điểm tự động giám sát và đang hoạt động tốt trong cảnh báo tự động. Đề nghị viện cung cấp tài liệu hướng dẫn cách ứng phó với những trận động đất như thế này” - ông Hoài nói.
Đối với tỉnh Kon Tum, nếu tình hình động đất diễn biến phức tạp, như dự báo của Viện VLĐC có thể lên 5,5 độ Richter, ông Hoài đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum phải thông báo tới nhân dân, cơ quan liên quan, bà con chủ động việc ứng phó. Đồng thời phải quản lý thông tin thường xuyên, tránh các thông tin thất thiệt như tại thủy điện Sông Tranh làm bà con hoang mang, lo lắng.
Với các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đặc biệt là thủy điện Thượng Kon Tum, phó trưởng BCĐ nhấn mạnh yêu cầu phải dừng tích trữ thêm nước, đề phòng tình trạng mưa trái mùa như vừa qua, có thể kích hoạt thêm động đất.
“Đề nghị Viện VLĐC có báo cáo tổng thể để báo cáo với phó thủ tướng ra quyết định cụ thể với thủy điện Thượng Kon Tum và các hồ chứa liên quan” - ông Hoài nhấn mạnh.
Sớm phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp
Hồ thủy điện Thượng Kon Tum (thuộc Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum) bắt đầu tích nước từ ngày 26-2-2020. Hồ có dung tích 145 triệu m3. So với dung tích toàn bộ của hồ, lượng nước đã tích đạt 73%, dung tích để phục vụ cho sản xuất điện mới đạt 61%.
Tại cuộc họp, ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), đánh giá: Hiện đang giữa mùa khô Tây Nguyên nên mực nước này không phải là quá lớn so với dung tích của hồ. “Hồ này có dung tích 145 triệu m3, nay mới tích được 106 triệu m3, về mặt kỹ thuật vẫn đảm bảo quy trình vận hành nhà máy” - ông Thực nói.
169 là số trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông (Kon Tum) từ đầu năm 2021 đến nay. Riêng từ ngày 15 đến 18-4, ghi nhận 22 trận động đất. Các trận động đất này có độ lớn 2,5-4,5 độ Richter. Tính trong thời gian từ năm 1903 đến 2020, trên khu vực huyện Kon Plông và lân cận đã ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 độ Richter.
(Theo Viện VLĐC)
Về mặt vận hành, đại diện Bộ Công Thương đề nghị nên thay đổi các mực nước để xem dư chấn động đất biến động như thế nào, dung tích hồ ở mức nào thì rung chấn ổn định. Vị đại diện cũng yêu cầu Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum bố trí thêm các khu vực quan trắc động đất.
Ông Phạm Hồng Long, Trưởng Ban an toàn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cũng đề nghị hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai sớm phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, làm cơ sở để địa phương, các nhà máy thủy điện trên địa bàn kịp thời xử lý tình huống theo các phương án ứng phó khẩn cấp đã được phê duyệt.
Cùng với thủy điện, ông Nguyễn Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT), cho hay tổng hồ chứa thủy lợi ở Kon Tum có khoảng 80 hồ, dung tích 92 triệu m3, hiện mới tích được 50% nước.
Trong trận động đất ở huyện Kon Plông chỉ có hai hồ thủy lợi gần tâm chấn nhất là hồ Kon Chênh cách tâm chấn 17 km và hồ Đăk Ke cách tâm chấn 20 km. Sau các trận động đất, phía đơn vị đã đi kiểm tra và chưa thấy hồ có dấu hiệu bất thường.
Sớm phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp
Hồ thủy điện Thượng Kon Tum (thuộc Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum) bắt đầu tích nước từ ngày 26-2-2020. Hồ có dung tích 145 triệu m3. So với dung tích toàn bộ của hồ, lượng nước đã tích đạt 73%, dung tích để phục vụ cho sản xuất điện mới đạt 61%.
Tại cuộc họp, ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), đánh giá: Hiện đang giữa mùa khô Tây Nguyên nên mực nước này không phải là quá lớn so với dung tích của hồ. “Hồ này có dung tích 145 triệu m3, nay mới tích được 106 triệu m3, về mặt kỹ thuật vẫn đảm bảo quy trình vận hành nhà máy” - ông Thực nói.
Về mặt vận hành, đại diện Bộ Công Thương đề nghị nên thay đổi các mực nước để xem dư chấn động đất biến động như thế nào, dung tích hồ ở mức nào thì rung chấn ổn định. Vị đại diện cũng yêu cầu Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum bố trí thêm các khu vực quan trắc động đất.
Ông Phạm Hồng Long, Trưởng Ban an toàn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cũng đề nghị hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai sớm phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, làm cơ sở để địa phương, các nhà máy thủy điện trên địa bàn kịp thời xử lý tình huống theo các phương án ứng phó khẩn cấp đã được phê duyệt.
Cùng với thủy điện, ông Nguyễn Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT), cho hay tổng hồ chứa thủy lợi ở Kon Tum có khoảng 80 hồ, dung tích 92 triệu m3, hiện mới tích được 50% nước.
Trong trận động đất ở huyện Kon Plông chỉ có hai hồ thủy lợi gần tâm chấn nhất là hồ Kon Chênh cách tâm chấn 17 km và hồ Đăk Ke cách tâm chấn 20 km. Sau các trận động đất, phía đơn vị đã đi kiểm tra và chưa thấy hồ có dấu hiệu bất thường.