Trong thời gian gần đây, PLO phản ánh tình trạng nhiều sàn thương mại điện tử ngưng việc đồng kiểm hàng hóa gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Theo đó người tiêu dùng sẽ không được kiểm tra hàng hóa bên trong thùng/bao gói cho tới khi đã thanh toán đầy đủ tiền cho người giao nhận.
Đồng kiểm hàng hóa: Không phải sàn nào cũng có nhu cầu
Sàn điện tử Lazada cho rằng, việc đồng kiểm hàng hóa là không phù hợp vì Lazada cho rằng người đi giao hàng không phải là người bán hàng nên không hiểu biết sâu về hàng hóa, không thể cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa và vì vậy không thể cùng đồng kiểm với khách hàng.
Không phải sàn thương mại điện tử nào cũng áp dụng phương thức đồng kiểm hàng hóa. Ảnh: T.H
Với chủ đề này ông Trần Tuấn Anh- Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam nhận định đồng kiểm cũng không phải là cách để Shopee quản lý bảo vệ người tiêu dùng chống lại hàng giả, hàng nhái. Và hình thức đồng kiểm đối với Shopee, tính tới thời điểm hiện tại là không cần thiết.
“Cách Shopee quản lý là để người mua quyết định nhu cầu dựa trên những thông tin do Shopee cung cấp về người bán. Nếu làm đồng kiểm hàng hóa thì chi phí ai chịu?”
Ông Tuấn Anh lý giải, đồng kiểm là dịch vụ gia tăng cho người bán, người bán đồng ý sử dụng thì sàn sẵn sàng cung cấp. Song thực tế, hiện tại người bán trên Shopee không có nhu cầu sử dụng dịch vụ này và không chịu chi trả chi phí đồng kiểm chứ không phải là Shopee không thực hiện chế độ đồng kiểm.
Ông lấy ví dụ khi đồng kiểm, người mua mở sản phẩm, người giao phải có trách nhiệm đứng đó, gói lại, đóng gọi lại sau khi đồng kiểm. Tất cả các giai đoạn đó người bán đều cần chi phí rất cụ thể.
“Thậm chí theo phân tích đánh giá của Shopee thì nhu cầu người mua muốn đồng kiểm khi mua tại Shopee không có nhiều. Vì thế hiện tại Shopee chưa có nhu cầu cung cấp dịch vụ này. Và chưa cần làm điều đó”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Tuấn Anh cũng cho hay tất cả các quy định kinh doanh, Shopee đều dựa trên thông tin có được từ người tiêu dùng và những cái chúng tôi thấy được sự thật doanh số, chứ không hề cảm nhận theo cảm tính. Theo đó trong năm 2018 Shopee xử lý gần nửa triệu sản phẩm vi phạm hàng giả, hàng nhái, hay vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…
“Đồng kiểm là cách kiểm soát tối đa chất lượng hàng hóa”
Nếu Lazada, Shopee không thực hiện việc đồng kiểm khi giao hàng, mà có các chính sách đổi trả, khiếu nại riêng, và đưa ra gian hàng riêng thì Sendo là sàn áp dụng hình thức song song. Tức việc đồng kiểm hay không, phụ thuộc vào quy định, thỏa thuận giữa người bán và người mua.
Khác quan điểm với các nhà sàn khác, ông Nguyễn Chí Thọ- Trưởng phòng kinh doanh của Tiki cho biết, đồng kiểm giúp Tiki, người bán và người mua kiểm soát được chất lượng hàng hóa. Theo đó sàn thương mại điện tử này thực hiện chế độ đồng kiểm ngay tại kho lưu trữ hàng hóa.
“Sản phẩm được bán tại Tiki trước khi tới tay người tiêu dùng đã trải qua một quy trình thẩm định đầu vào và đầu ra rất nghiêm ngặt. 100% sản phẩm khách đặt dù là mặt hàng do Tiki cung cấp hay mua của các cửa hàng trên sàn đều được mang về kho của Tiki để nhân viên kiểm tra chất lượng, số lượng, loại loại sản phẩm có đúng đủ theo yêu cầu của khách hay không. Sau đó đóng gói theo quy chuẩn và vận chuyển theo đội ngũ riêng của Tiki”, ông Thọ cho biết.
Ngoài ra để đảm bảo quyền lợi của người bán lẫn người mua, Tiki quy định những sản phẩm trên 3 triệu, cửa hàng bán trên sàn phải cho đơn vị này đồng kiểm ngay tại chỗ rồi mới lấy về đóng gói cho khách. Khi tới tay người tiêu dùng, người tiêu dùng còn có thể đồng kiểm thêm một lần nữa. Sau đồng kiểm Tiki còn 7 ngày để phản hồi, đổi trả sản phẩm và chi phí do Tiki hỗ trợ.
“Không phải bất cứ nhà bán nào cũng được lên Sàn Tiki. Muốn bán họ phải đáp ứng được rất nhiều yêu cầu như buộc họ phải có mã số kinh doanh, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... Sự khắt khe này chính là cách đảm bảo tiêu chí an toàn mà người tiêu dùng cần khi mua hàng qua mạng”, ông Thọ cho biết.
Và ông cũng tự tin rằng việc đồng kiểm hàng hóa, Tiki nhà sàn TMĐT thực hiện rất tốt. Bằng chứng thể hiện qua việc, tỉ lệ sản phẩm đổi trả hoàn tiền trên tổng sản phẩm bán ra thành công chỉ chiếm 0,8%. Và tỉ lệ sản phẩm bị nghi ngờ hàng giả/ hàng nhái chỉ chiếm con số rất nhỏ 0,02%. Đồng thời tính tới thời điểm hiện tại chỉ xử lý gỡ bỏ, đóng gian hàng 25 nhà bán hàng vi phạm.
Ông Nguyễn Chí Thọ nhận định để tiếp tục phát triển sàn thương mại điện tử, tất cả các sàn TMĐT cần đặt quyền lợi người tiêu dùng lên trên hết. Đồng thời phải tăng cường phối hợp với cơ quan nhà nước để chống lại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Ông Cao Xuân Quảng- Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng trong lĩnh vực TMĐT như cần sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và NĐ 52, tăng cường công tác tuyên truyền chống lại hành vi gian lận thương mại, xây dựng cơ chế hợp tác giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tại hội thảo, các nhà sàn TMĐT đã trình bày về các giải pháp chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng khi mua tại các sàn TMĐT như tăng cường hơn nữa công nghệ nhận diện các mặt hàng cấm, tăng cường đội ngũ nhân sự rà soát. Đưa ra các chính sách, nội quy cho người bán như tính điểm phạt “Sao quả tạ” cho người bán của Shopee, cấm bán hàng, khóa tài khoản… Hay áp dụng các công nghệ nhận định hàng giả giá cao của sàn TMĐT Fado.vn… |