Đột nhiên chặn dân tách thửa

Hiện nay, Sở TN&MT chỉ mới đang soạn dự thảo quyết định thay thế Quyết định 33/2014 quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP. Tuy nhiên, nhiều tháng nay một số địa phương đã tự ý ngưng hoặc hạn chế giải quyết việc tách thửa cho người dân.

Chờ mãi huyện không trả lời

Gia đình ông Mai Công Hồng ở 20A ấp 4, xã Xuân Thới Sơn (Hóc Môn) có mảnh đất trên 1.000 m2 thuộc thửa đất số 98, tờ bản đồ số 3. Ông Hồng cho biết cha ông mất, mẹ đã già yếu nên có nguyện vọng tách thửa để chia phần cho sáu người con.

Ngày 6-6, ông Công đến UBND huyện Hóc Môn nộp hồ sơ xin chia tách thửa đất để nhận thừa kế từ mẹ ruột. Tuy nhiên, đến nay ông Hồng vẫn không nhận được phản hồi nào của huyện. Suốt hơn ba tháng nay, ông đi lại rất nhiều lần và cũng nhiều lần làm đơn kiến nghị lên UBND huyện và nhiều cơ quan khác nhưng cũng không có câu trả lời chính thức nào.

“Tôi rất khó hiểu khi không biết vì sao hồ sơ bị ngâm đến hơn ba tháng mà không ai chịu trả lời cho tôi. Nếu hồ sơ không đầy đủ hay vướng chỗ nào, có được tách thửa hay không thì cũng phải trả lời hoặc hướng dẫn để chúng tôi được biết chứ” - ông Hồng bức xúc.

Tương tự, ông Phan Thành Trung ở 142/6 ấp 6, xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) cũng có mảnh đất gần 900 m2 tại thửa 677, tờ bản đồ số 42. Tháng 4-2016, ông gửi hồ sơ xin tách ra 200 m2 để bán lấy tiền chữa bệnh. Việc này đã được UBND xã Xuân Thới Thượng thẩm định đủ điều kiện cho tách và gửi văn bản lên huyện. Tuy nhiên, đến nay đã năm tháng nhưng cũng không nhận được bất kỳ phản hồi nào của huyện.

“Tuần nào tôi cũng lên hỏi, có lúc thì được trả lời là đang bầu lãnh đạo huyện nên chưa có ai ký văn bản và không trả lời gì thêm” - ông Trung cho hay.

Ông Mai Công Hồng bức xúc vì hồ sơ xin tách thửa nộp vào huyện Hóc Môn hơn ba tháng nay nhưng không được giải quyết. Ảnh: LÊ THOA

Chuyên viên nói không, lãnh đạo nói có

Chiều 26-9, PV đến quầy tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của huyện Hóc Môn hỏi về việc nộp hồ sơ tách thửa thì chuyên viên tiếp nhận hồ sơ cho biết hiện nay huyện không tiếp nhận hồ sơ liên quan đến lĩnh vực này. Hỏi khi nào mới nhận hồ sơ thì chuyên viên này nói không biết.

Tuy nhiên, khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Công Hiếu, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Hóc Môn, lại khẳng định là vẫn nhận hồ sơ xin tách thửa của người dân bình thường nhưng chỉ giải quyết tách thửa đối với đất dân cư hiện hữu.

“Vậy ông giải thích thế nào khi cán bộ tiếp nhận nói hiện nay huyện không nhận hồ sơ và cũng không biết khi nào mới nhận lại. Căn cứ nào để huyện ngừng giải quyết tách thửa cho dân trong khi Quyết định 33 vẫn còn hiệu lực và văn bản mới thay thế thì chưa ban hành?” - PV hỏi.

Ông Hiếu không trả lời được câu hỏi này. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết huyện Hóc Môn vừa ban hành văn bản công bố công khai kế hoạch sử dụng đất của năm 2016 trên địa bàn huyện. “Trong tuần tới, khi triển khai kế hoạch này cho các xã, chúng tôi sẽ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tách thửa, chuyển mục đích cho người dân” - ông Hiếu nói.

Giải quyết nửa vời

Chị Lưu Minh Hạnh ở quận 9 cũng có mảnh đất hơn 1.000 m2 và chị đang có nhu cầu tách thửa đất. Từ tháng 3-2016, quận 9 tạm ngưng nhận hồ sơ thỏa thuận đường giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn quận. Do trong khu đất của chị Hạnh có hình thành đường giao thông nên chị đành phải chờ.

Đến đầu tháng 9-2016, nghe tin quận 9 tiếp tục nhận hồ sơ, chị Hạnh vội đến quận hỏi thì mới biết là đất của chị nằm trong quy hoạch xây dựng mới nên không được giải quyết. Chị Hạnh cho hay trong Quyết định 33 không cấm việc tách thửa trong đất quy hoạch xây dựng mới nên việc quận không giải quyết là không hợp lý.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Đặng Thị Hồng Liên, Chủ tịch UBND quận 9, cho hay quận 9 vẫn nhận hồ sơ giải quyết tách thửa cho dân bình thường. Tuy nhiên, chỉ giải quyết đối với trường hợp đất trong quy hoạch khu dân cư hiện hữu, quận 9 không giải quyết đại trà như trước đây.

“Do vấn đề đất đai ở quận 9 khá phức tạp, để hạn chế việc lợi dụng Quyết định 33 để mua bán bất động sản, chúng tôi vẫn giải quyết cho tách thửa nhưng xem xét từng trường hợp cụ thể. Chỉ ưu tiên giải quyết cho các trường hợp cha mẹ cho con và trong khu dân cư hiện hữu” - bà Liên cho biết.

Liên quan đến việc không giải quyết tách thửa trong khu dân cư xây dựng mới, lãnh đạo quận 9 cho rằng phải có văn bản mới của UBND TP rồi mới thực hiện.

Người dân tha thiết muốn có chỗ ở hợp pháp

Ông Nguyễn Thanh Quang ở quận Thủ Đức cũng có nhu cầu tách thửa đất tại phường Linh Tây. Tuy nhiên, do nằm trong quy hoạch là đất khu dân cư cao tầng và thấp tầng nên không được giải quyết.

Ông Quang thắc mắc: “Cũng là khu dân cư nhưng tại sao chỉ có khu dân cư hiện hữu mới được giải quyết? Trong khi đó, quy hoạch là xây dựng mới không biết khi nào xây dựng, chưa có chủ đầu tư, chưa biết sẽ xây dựng công trình gì nhưng đã cấm người dân được chuyển mục đích, tách thửa rồi”.

Ông Quang cho rằng lẽ ra Nhà nước nên tạo điều kiện để người dân được xây dựng và có chỗ ở hợp pháp. Khi có nhà đầu tư xin thực hiện dự án thì tiến hành bồi thường cho dân theo quy định thì mới sòng phẳng với người dân.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho hay địa phương này cũng chỉ giải quyết tách thửa đối với đất trong khu dân cư hiện hữu.

Ngoài ra, cũng như quận 9, lãnh đạo quận Thủ Đức và cả huyện Hóc Môn đều cho rằng phải có văn bản mới của UBND TP.HCM rồi mới thực hiện việc tách thửa trong khu dân cư xây dựng mới.

Bình Chánh vẫn tách thửa bình thường

Trong khi chờ có văn bản mới thay thế Quyết định 33, UBND huyện Bình Chánh vẫn căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm của huyện giải quyết tách thửa cho người dân khi họ có nhu cầu. Ngay cả đất ở nông thôn và đất ở đô thị, nếu thỏa những điều kiện về hạ tầng, điện, nước, giao thông theo quy định của Quyết định 33 thì huyện vẫn giải quyết bình thường.

Ông NGUYỄN VĂN HỒNG, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, TP.HCM

________________________

Kỳ tới: Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM nói gì?

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hội

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hộiLongform

(PLO)- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần nâng cao chất lượng công trình nhà ở xã hội tương đương nhà ở thương mại cho người dân yên tâm, tin tưởng vào chính sách nhà ở xã hội của Nhà nước.

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

(PLO)- Giữa bối cảnh giá BĐS liên tiếp lập đỉnh chưa có dấu hiệu chững lại, lãi suất thấp kỷ lục, thị trường xuất hiện xu hướng dịch chuyển dòng tiền ra khỏi nhà băng để tìm đến các dự án trả góp dài hạn. Đây được xem là phương án tối ưu vừa bảo vệ giá trị tài sản trước nguy cơ mất giá – lạm phát, vừa nhanh chóng sở hữu nhà ở trước khi giá tăng quá cao.

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

(PLO)- Giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong 2 tháng đầu năm nay tăng đến 17% so với cùng kỳ 2023. Thực tế, không ít dự án có mức tăng giá trên dưới 30% chỉ sau 1 năm.