Dự án BOT cải tạo quốc lộ 91, càng để lâu càng khó

(PLO)- Bộ GTVT tiếp tục đề xuất ngân sách xuất tiền mua lại dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 trên địa phận TP Cần Thơ và tỉnh An Giang.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về các phương án xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT, trong đó, có dự án cải tạo và nâng cấp QL91. Bộ GTVT được Chính phủ giao báo cáo việc này.

Theo Bộ GTVT, dự án cải tạo và nâng cấp QL91 được thực hiện gồm hạng mục nâng cấp QL91, đoạn Km14 - Km50+889 và QL91B. Nhà đầu tư được đặt hai trạm T1 và T2 trên QL91.

Trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2017, dự án thu phí thuận lợi, doanh thu đạt 88%, cơ bản bảo đảm hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, sau khi thông xe cầu Vàm Cống vào tháng 5-2019, các phương tiện đi từ Đồng Tháp sang An Giang theo QL80 phải đi qua trạm thu phí T2. Hành trình này chỉ có 700m là phần đường của dự án BOT. Vì vậy, người dân đã phản ứng, cản trở việc thu phí, gây mất an ninh trật tự khu vực trạm thu phí T2.

Trước tình hình bất khả kháng, nhà đầu tư phải dừng thu phí tại trạm T2 từ ngày 25-5-2019 đến nay. Việc không được thu phí tại trạm T2 và chỉ thu phí tại trạm T1 dẫn đến không bảo đảm doanh thu thu phí hoàn vốn và phương án trả nợ theo phương án tài chính dự án.

Trạm T2 hiện vẫn đang dừng thu phí. Ảnh: PLO.VN

Trạm T2 hiện vẫn đang dừng thu phí. Ảnh: PLO.VN

Cùng với thời gian dừng dự án, một số tuyến đường trong khu vực đã và đang được triển khai đầu tư, dẫn đến phân chia lưu lượng. Hệ quả, doanh thu của dự án đến nay chỉ đạt 25% so với hợp đồng, phá vỡ phương án tài chính ban đầu. Ngoài ra, dự kiến năm 2026, khi thành phố Cần Thơ hoàn thành đường vành đai phía Tây thì doanh thu của dự án chỉ còn dưới 10%.

Ngoài các nguyên nhân nêu trên, trong 6 năm qua, dự án cũng chịu nhiều thua thiệt do không thể được điều chỉnh phí một lần với tỉ lệ tăng là 18% theo hợp đồng đã ký kết. Nguyên nhân là từ việc chấp hành các chỉ đạo của Chính phủ trong điều hành giá.

Để giải quyết dứt điểm bất cập tại trạm thu phí dự án, Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật và đề xuất hai phương án.

Phương án 1: Xóa bỏ trạm thu phí T2 và tiếp tục thu phí tại trạm thu phí T1 trên QL91. Ưu điểm của phương án này Nhà nước không phải bố trí tiền để thanh toán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên đây là phương án không khả thi khi không giải quyết dứt điểm tồn tại dự án do chỉ thu phí tại trạm T1 không bảo đảm doanh thu theo hợp đồng đã ký dẫn đến phá vỡ phương án tài chính và không thể hoàn vốn.

Phương án 2: Chấm dứt hợp đồng trước hạn, Nhà nước bố trí vốn ngân sách khoảng 1.879 tỉ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư, xóa bỏ cả hai trạm thu phí.

Phương án trên có ưu điểm giải quyết triệt để các tồn tại, vướng mắc của dự án, đáp ứng các quy định của hợp đồng và pháp luật PPP, khả thi để thực hiện. Tuy nhiên Nhà nước cần bố trí tiền để thanh toán cho nhà đầu tư.

Với những phân tích trên, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ lựa chọn phương án 2. Đây cũng là phương án được chính quyền Cần Thơ ủng hộ và phù hợp theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật Dân sự: “Trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, theo nguyên tắc cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên…”.

Đề nghị giải quyết sớm, dứt điểm vướng mắc tại dự án cải tạo, nâng cấp QL91, Bộ GTVT cảnh báo việc trì hoãn sẽ dẫn đến phát sinh chi phí như lãi vay, bảo trì công trình, chi phí quản lý...

“Nếu chúng ta trì hoãn đến thời điểm 31-12-2023 thì kinh phí cần bố trí cho dự án khoảng 1.985 tỉ đồng, tăng thêm khoảng 106 tỉ đồng, chưa kể đến những tác động ảnh hưởng tới doanh nghiệp có thể dẫn đến phá sản, ngân hàng tiếp tục gia tăng nợ xấu” - Bộ GTVT cho hay.

Giải pháp 2 phải có nguồn ngân sách nên Chính phủ phải báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14+00 - Km50+889 trên địa phận thành phố Cần Thơ và tỉnh An Giang có tổng mức đầu tư khoảng 2.514 tỉ đồng. Nhưng mới đây Bộ GTVT đã thỏa thuận quyết toán dự án hoàn thành với giá trị hơn 1.550 tỉ đồng (QL91 là trên 1.100 tỉ đồng, QL91B gần 450 tỉ đồng). Còn lại chi phí giải phóng mặt bằng UBND thành phố Cần Thơ chịu trách nhiệm thực hiện quyết toán.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm