Dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội chậm tiến độ nhiều năm

(PLO)- Dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội sau gần 12 năm thi công vẫn chưa được đưa vào sử dụng do còn nhiều vướng mắc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội vừa đề xuất TP tăng vốn, lùi thời gian hoàn thành dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sang năm 2029. Việc chậm tiến độ này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, giao thông đô thị mà còn hệ luỵ đến nhiều người dân sống dọc dự án.

Đến nay, nhiều hạng mục khác nhau của công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng. Trong những công trường thi công các ga ngầm, cỏ dại mọc um tùm, ngập nước phủ rêu xanh. Hầu hết, tại các công trường giờ chỉ còn bảo vệ trông coi, vật liệu xây dựng bị gỉ sét và không có công nhân thi công.

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đề xuất TP tăng vốn, lùi thời gian hoàn thành dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sang năm 2029. Ảnh: MINH TRÚC

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đề xuất TP tăng vốn, lùi thời gian hoàn thành dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sang năm 2029. Ảnh: MINH TRÚC

Phía bên ngoài công trường bị quây kín bằng tôn và rào sắt gây khó khăn trong việc giao thông mỗi giờ cao điểm. Nhiều đoạn đường có công trường của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội thường xuyên diễn ra tình trạng tắc đường.

Một số điểm thi công công trình nằm ngay trên các trục giao thông quan trọng với lượng phương tiện đông đúc khiến tình trạng ùn tắc, lộn xộn diễn ra trong thời gian dài. Cuộc sống của người dân sống dọc dự án cũng bị đảo lộn, khó khăn vì rào chắn thi công.

Rào chắn trên đường Trần Hưng Đạo được dựng lên từ tháng 6-2019, dự kiến hoàn thành trong 15 tháng; nhưng đến nay, đã gần 3 năm, mọi thứ vẫn ngổn ngang. Ảnh: MINH TRÚC

Rào chắn trên đường Trần Hưng Đạo được dựng lên từ tháng 6-2019, dự kiến hoàn thành trong 15 tháng; nhưng đến nay, đã gần 3 năm, mọi thứ vẫn ngổn ngang. Ảnh: MINH TRÚC

Theo ghi nhận tại phố Trần Hưng Đạo (đoạn từ nhà số 94 đến số 100), nơi rào chắn thi công dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội (ga S12), những cửa hàng mặt phố buôn bán sầm uất trước đây được thay thế bằng những căn nhà hoang phế, đổ nát, hoặc buôn bán đìu hiu.

Phía dãy nhà số lẻ của đường Trần Hưng Đạo vẫn còn một làn đường cho ô tô và xe máy di chuyển, phía đối diện chỉ còn một đoạn vỉa hè nhỏ, dài khoảng 100m cho xe máy lưu thông. Đường đi nhỏ đến mức hai xe máy đi ngược chiều tránh nhau còn khó.

Anh Duy Anh, chủ tiệm kinh doanh cửa hàng ăn uống trên đường Trần Hưng Đạo chia sẻ: “Trước đây, anh vẫn kinh doanh tốt. Nhưng từ lúc xây dựng rào chắn để phục vụ đường sắt đô thị thì nhà anh không còn mặt tiền kinh doanh. Đường nhỏ hẹp, hai hàng xe máy đi còn khó. Người đi bộ cũng phải nép sát vào hàng rào tôn, lấy đâu ra khách. Toàn khách quen sống gần khu này thôi”- Anh nói.

Bên phía dãy nhà chẵn phố Trần Hưng Đạo chỉ còn một đoạn vỉa hè nhỏ, dài khoảng 100m cho xe máy lưu thông. Ảnh: MINH TRÚC

Bên phía dãy nhà chẵn phố Trần Hưng Đạo chỉ còn một đoạn vỉa hè nhỏ, dài khoảng 100m cho xe máy lưu thông. Ảnh: MINH TRÚC

Rào chắn trên đường Trần Hưng Đạo (từ ngã ba Yết Kiêu đến ngã ba Lê Duẩn) được dựng lên từ tháng 6-2019, dự kiến hoàn thành trong 15 tháng. Nhưng đến nay, đã gần 3 năm, mọi thứ vẫn ngổn ngang và chưa biết đến bao giờ rào chắn mới được tháo dỡ. Không chỉ riêng đường Trần Hưng Đạo, tại khu vực ngã ba Kim Mã - Núi Trúc hay phố Quốc Tử Giám cũng bị rào chắn song đến nay cũng chưa hoàn thành như thời gian dự kiến, chưa tháo dỡ rào chắn.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần nhìn nhận, đánh giá lại trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội trong việc chậm tiến độ, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Trong những công trường thi công các ga ngầm, cỏ dại mọc um tùm, ngập nước phủ rêu xanh. Ảnh: MINH TRÚC

Trong những công trường thi công các ga ngầm, cỏ dại mọc um tùm, ngập nước phủ rêu xanh. Ảnh: MINH TRÚC

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội được phê duyệt năm 2009, do UBND TP.Hà Nội làm chủ đầu tư. Tuyến đường sắt dài 12,5km với 12 ga, trong đó có 8,5km đi trên cao, 4km đi ngầm. Tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 783 triệu Euro, sau đó điều chỉnh tăng lên hơn 1,1 tỉ Euro (tăng hơn 66%). Trong đó, có 957 triệu Euro vốn ODA từ 4 nhà tài trợ quốc tế, phần còn lại là vốn đối ứng trong nước.

Tại quyết định phê duyệt dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, Hà Nội dự kiến khởi công năm 2006 để hoàn thành năm 2010. Nhưng sau nhiều lần điều chỉnh và lỡ hẹn, năm 2019, Hà Nội quyết định tách phần trên cao khai thác trước vào cuối năm 2021, đoạn đi ngầm hoàn thành cuối năm 2022. Tới nay, mốc hoàn thành tiếp tục lùi lần lượt tới cuối năm 2022 và cuối năm 2023.

Khu vực qua đường Kim Mã bị rào chắn, đến nay chưa hoàn thành như thời gian dự kiến. Ảnh: MINH TRÚC

Khu vực qua đường Kim Mã bị rào chắn, đến nay chưa hoàn thành như thời gian dự kiến. Ảnh: MINH TRÚC

Được biết, vấn đề giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này. Các nhà thầu đã dừng thi công và yêu cầu chủ đầu tư đền bù, nếu không sẽ tiến hành các thủ tục khiếu nại lên Trọng tài quốc tế.

Hiện UBND TP Hà Nội đang xem xét thành lập Ban xử lý tranh chấp để xử lý các khiếu nại và tháo gỡ các vướng mắc về khiếu nại, đòi bồi thường 114,7 triệu USD của nhà thầu gói ga ngầm và tuyến hầm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm