Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã có tờ trình gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.
Theo tờ trình, Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007, sau hơn 15 năm thực hiện, cần được hoàn thiện một cách chuyên sâu và toàn diện. Việc này nhằm đáp ứng những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập quốc tế, yêu cầu của cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và chuyển đổi số cũng như thực tiễn phát triển của hoạt động TTTP.
Tách Luật Tương trợ tư pháp thành 4 luật
Luật TTTP hiện hành đang điều chỉnh cả bốn lĩnh vực, gồm: TTTP về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Điều này dẫn đến trong thực tiễn thực hiện còn có những bất cập, hạn chế bởi những lĩnh vực này mang tính chuyên ngành cao, có sự khác nhau lớn về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục đích, tính chất và nguyên tắc hợp tác…
Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, thời điểm ban hành Luật năm 2007, việc xây dựng các luật riêng điều chỉnh cho từng lĩnh vực chưa thực sự cấp bách. Trong khi tại thời điểm hiện nay, tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia ngày càng gia tăng, tạo nên xu hướng rõ nét và thường xuyên đòi hỏi hợp tác quốc tế tư pháp hình sự.
“Chỉ riêng lĩnh vực TTTP về hình sự, nếu trong năm 2008, Việt Nam chỉ gửi 1 yêu cầu cho nước ngoài, thì năm 2022 đã gửi 369 yêu cầu đề nghị nước ngoài hỗ trợ thực hiện”- tờ trình dẫn chứng.
Từ thực tế trên, ngày 8-8-2023, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ báo cáo rà soát Luật TTTP và nghiên cứu khả năng tách Luật TTP.
Văn phòng Chính phủ sau đó đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, nhất trí với đề xuất của Bộ Tư pháp về việc tách Luật TTTP thành bốn luật riêng điều chỉnh từng lĩnh vực khác nhau, gồm: Luật TTTP về dân sự, Luật TTTP về hình sự, Luật Dẫn độ và Luật chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
VKSND Tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật TTTP về hình sự để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Mở rộng phạm vi tương trợ tư pháp
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến đề xuất mở rộng phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự theo hướng bổ sung những nội dung mới tương trợ, như: Cho phép người tiến hành tố tụng của nước yêu cầu được có mặt trong quá trình thực hiện tương trợ tư pháp tại nước được yêu cầu; tổ chức cho người tại nước được yêu cầu đến nước yêu cầu để hỗ trợ điều tra hoặc cung cấp chứng cứ.
Đặc biệt, dự luật dự kiến mở rộng tương trợ tư pháp trong việc phong tỏa tài khoản, kê biên, thu giữ, tịch thu và xử lý tài sản do phạm tội mà có và công cụ, phương tiện phạm tội.
Theo VKSND Tối cao, phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự quy định tại Luật hiện hành còn hạn chế, chưa phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam trong cùng lĩnh vực; chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Đáng chú ý, Luật chưa có các quy định về những nội dung nêu trên, trong khi đây là những hoạt động TTTP đã được quy định trong các điều ước quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực tư pháp về hình sự mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và đã phát sinh trên thực tiễn.
Ngoài ra, dự luật dự kiến quy định xử lý trường hợp nước ngoài đề nghị Nhà nước Việt Nam đưa ra cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc áp dụng nhưng không thi hành đối với yêu cầu tương trợ của Việt Nam liên quan đến tội phạm có khung hình phạt tử hình…
Thực tế hiện nay, một số yêu cầu TTTP của cơ quan tiến hành tố tụng trong nước gửi đi nước ngoài hoặc yêu cầu chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài gửi đến Việt Nam liên quan đến tội phạm có thể áp dụng hình phạt tử hình theo quy định của BLHS Việt Nam.
Trong trường hợp này, các nước không áp dụng hình phạt tử hình thường yêu cầu Việt Nam phải đưa ra cam kết không áp dụng án tử hình hoặc áp dụng nhưng không thi hành án tử hình là điều kiện để thực hiện hoạt động TTTP.
“Đây là vấn đề phức tạp nhưng khá phổ biến trong thực tiễn hoạt động TTTP về hình sự cũng như việc đàm phán, ký kết các Hiệp định TTTP về hình sự. Tuy nhiên, Luật TTTP chưa có quy định nào đề cập đến vấn đề này”- theo VKSND Tối cao.
Do chưa có quy định cụ thể, thống nhất về trình tự, thủ tục thực hiện cam kết không áp dụng án tử hình trong hoạt động TTTP về hình sự nên các yêu cầu TTTP của Việt Nam gửi ra nước ngoài có liên quan đến yêu cầu cam kết thường gặp khó khăn.