“Quá trình đi kiểm tra, chúng tôi cũng bắt gặp nhiều đơn vị tư vấn giám sát chỉ làm cho có và để đối phó với chính quyền”. Ông Lê Hòa Bình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thông tin tại buổi tọa đàm Giải pháp chủ động ngăn ngừa, hạn chế sự cố công trình xây dựng trên địa bàn TP do Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức ngày 20-11.
Do tham lợi nhuận
Thời gian qua trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do sự cố công trình xây dựng, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Theo thống kê của Sở Xây dựng, trong năm 2014-2015 có khoảng 15 sự cố tại các công trình xây dựng nhà cao tầng và cả nhà ở riêng lẻ của người dân như cháy nổ, sập nhà, gãy đổ cần cẩu…
Một trong những nguyên nhân được nhiều người đặt ra là các đơn vị trực tiếp tham gia xây dựng như chủ đầu tư, nhà thầu, thiết kế, thi công, giám sát chưa làm hết trách nhiệm. Chủ đầu tư, nhà thầu thì đa phần chỉ tính đến lợi nhuận mà chưa quan tâm đúng mức đến an toàn công trình.
Ông Nguyễn Trung Hậu, công tác tại bộ phận quản lý an toàn và môi trường Tập đoàn Xây dựng Shimizu, cho biết ông đã từng đi kiểm tra rất nhiều công trình xây dựng và phát hiện nhiều trong số đó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro xảy ra sự cố.
Ông Hậu dẫn chứng: “Có trường hợp xe cẩu rỉ sét, dầu nhớt chảy tùm lum, thiếu an toàn, tôi phải yêu cầu công nhân dừng. Nhưng khi tôi rời khỏi hiện trường thì họ tiếp tục sử dụng lại”.
Vị này đưa thêm ví dụ khi đi kiểm tra công trình là xe xúc, hiện quy định pháp luật không bắt buộc kiểm định loại xe này khi đưa và thi công mà chỉ cần có hồ sơ về bảo trì bảo dưỡng. Tuy nhiên, khi kiểm tra tại các công trường thì đơn vị thi công không xuất trình được hồ sơ này do họ chỉ đi thuê bên ngoài.
Một vụ sập cần cẩu khi đang thi công một công trình nhà cao tầng tại TP.HCM. Ảnh: AN
Giám sát lơ là
Ông Huỳnh Ngọc Quan, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cũng khẳng định chủ đầu tư, nhà thầu, giám sát chưa thấy hết trách nhiệm của mình nên đã xảy ra nhiều sự cố đáng tiếc. Tại các công trình xây dựng đa số sử dụng rất nhiều vật liệu dễ gây cháy, nổ. Không những thế, tại các tầng hầm nhiều khi còn biến thành kho chứa vật liệu, thậm chí là xưởng sản xuất, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn trong quá trình thi công công trình.
PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nhấn mạnh đa phần khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng chỉ nhắm vào chủ đầu tư và nhà thầu mà không quy trách nhiệm cho giám sát. Trong khi quá trình thi công xây dựng, đơn vị giám sát phải theo dõi chặt chẽ từng hạng mục để đảm bảo an toàn thi công.
Một nguyên nhân quan trọng không kém dẫn đến sự cố công trình là ý thức của những người tham gia xây dựng, từ ông chủ cho đến công nhân không được trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn lao động, hoặc chỉ làm cho có để đối phó với cơ quan chức năng. Không những thế, bộ phận phụ trách về an toàn lao động cũng không đủ năng lực, không có chuyên môn để kiểm tra chặt chẽ các thiết bị khi đưa vào công trường. Do đó, không đánh giá và lường trước được rủi ro có thể xảy ra.
Nhà nước “ôm” nhiều việc
Từ góc độ quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, ông Nguyễn Văn Hiệp cho rằng cơ chế quản lý của Nhà nước hiện còn bất cập. “Nhà nước ôm việc của các tổ chức xã hội nghề nghiệp quá nhiều nhưng lại không chịu trách nhiệm gì hết khi xảy ra vi phạm. Khi vi phạm nhiều quá lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh” - ông Hiệp thẳng thắn.
Theo PGS-TS Hiệp, một trong những giải pháp hiệu quả mà rất nhiều nước trên thế giới áp dụng cơ chế bảo hiểm. “Đây là cánh tay nối dài của Nhà nước về quản lý chất lượng công trình. Nhà nước không cần phải đi sâu và cũng không đủ năng lực để đi sâu. Các công ty bảo hiểm sẽ “xài” các kỹ sư, kiến trúc sư để thẩm định chất lượng công trình trước khi bán bảo hiểm” - ông Hiệp phân tích.
Ông Hiệp đưa ra nghịch lý hiện nay Luật Bảo hiểm không yêu cầu phải mua bảo hiểm an toàn công trình trong khi Luật Xây dựng bắt buộc phải mua, không mua sẽ bị xử phạt. Thực tiễn triển khai, hai luật “đá” nhau, TP.HCM gặp vướng. Sở Xây dựng đã có công văn hỏi Bộ Xây dựng, bộ này trả lời Luật Bảo hiểm là luật chuyên ngành về bảo hiểm và có trước Luật Xây dựng nên phải áp dụng theo.
“Không bắt buộc mua bảo hiểm nên các công ty xây dựng muốn mua bao nhiêu thì mua, bên bảo hiểm cũng chủ yếu bán để lấy tiền mà không thèm xuống coi công trình. Nhà nước không quản lý được, khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng mới xuống chụp ảnh, quy trách nhiệm…” - ông Hiệp nói.
Ông Hiệp đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu áp dụng, vừa giảm tải cho Nhà nước vừa tạo tiền đề cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp phát triển.
Những vụ tai nạn tiêu biểu - Ngày 17-10-2014, vụ nổ tại căn nhà 66/2 Lê Thị Riêng, phường Thới An, quận 12 làm ba người chết tại chỗ, năm người bị thương và 85 căn nhà bị hư hỏng. Trong đó có tám căn nhà cần phải đập bỏ xây dựng mới, 14 căn phải sửa chữa và thực hiện quan trắc lún trước khi đưa vào sử dụng lại. - Ngày 30-12-2014, vụ cháy căn nhà 180 Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3 ảnh hưởng tới bảy căn nhà lân cận trong đó có hai trường hợp hư hỏng nặng. Nguyên nhân là do chập điện khi lắp đặt bảng quảng cáo. - Ngày 10-7-2015, tòa nhà 17 tầng nằm trong khu đô thị Nam TP bị sập giàn giáo trong lúc đang thi công khiến ba người tử vong và bốn người bị thương. Nguyên nhân do lắp đặt, sử dụng giàn giáo không đảm bảo kỹ thuật an toàn. - Ngày 10-11, một công trình xây dựng trên đường Trường Chinh, quận 12 trong quá trình thi công bị gãy đổ cần trục tháp, không thiệt hại về người nhưng khiến ba đốt trụ tháp bị gãy đổ; gây hư hỏng cục bộ phần tường bao che, sê nô mái và phần kết cấu khung sàn tầng sân thượng của BV Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn. Trong đó có một ô sàn tầng sân thượng bị khối đối trọng bê tông cốt thép xuyên thủng, gây phá vỡ kết cấu. Kiểm tra chặt công trình xây dựng Để chủ động ngăn ngừa, hạn chế sự cố công trình xây dựng, tới đây Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra chặt chẽ đến công tác lựa chọn nhà thầu cũng như các hoạt động ngành nghề. Đồng thời Sở kiểm tra buộc các đơn vị tham gia xây dựng tuân thủ thực hiện nghiêm túc công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng theo quy định, qua đó đảm bảo hạn chế thiệt hại về người và tài sản cũng như không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư xây dựng của TP. Ông LÊ HÒA BÌNH, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM |