Trước những thông tin về chi phí học, thi giấy phép lái xe (GPLX) tăng lên 30 triệu đồng, nhiều người đã kéo nhau đi đăng ký học. Mặc dù nhiều cơ quan chức năng đã thông tin sẽ không có mức học phí “khủng” như vậy nhưng hiện nay các cơ sở đào tạo, sát hạch vẫn trở nên quá tải.
Đăng ký tháng 3, tháng 7 mới được học
Theo khảo sát của PV, hầu hết cơ sở đào tạo trên địa bàn TP.HCM đã kín các khóa học từ nay đến tháng 7. Như vậy, khi học viên đăng ký mới, phải chờ đến sau thời gian này mới có lớp khai giảng.
Tìm hiểu trực tiếp ở một cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn quận 12, tại đây rất đông người đăng ký học để lấy GPLX hạng B1 và B2. Tuy nhiên, các nhân viên của trung tâm đều thông báo phải tháng 7 mới có lớp, các khóa hiện tại đã không còn chỗ.
Bên cạnh đó, một số trường còn chưa chốt được mức học phí hiện tại theo quy định. Liên hệ qua đường dây nóng của Trung tâm Dạy nghề và đào tạo lái xe - Trường ĐH Cảnh sát nhân dân (quận Thủ Đức), người trả lời điện thoại cho biết: Chưa có mức học phí cụ thể. Về thời điểm khai giảng, trung tâm này cho hay từ nay đến hết tháng 7 không còn lớp khai giảng.
Ngoài việc lo tăng học phí, nhiều người cho biết đăng ký học sớm để tránh việc thi khó hơn khi áp dụng các cách thức thi mới.
Cụ thể, theo Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT, số giờ học luật nhiều hơn, chương trình thực hành cũng thay đổi để đáp ứng nội dung đào tạo mới. Đồng thời, từ 1-6-2020, trình tự thi sát hạch GPLX mới sẽ gồm các nội dung: Lý thuyết, mô phỏng, trên sa hình, trên đường (trước đó, học viên chỉ phải trải qua ba nội dung sát hạch là lý thuyết, trên sa hình và trên đường).
Nhiều học viên đăng ký học lái xe sớm vì lo thi khó hơn trước. Ảnh: THY NHUNG
Các trung tâm có nhiều lựa chọn đào tạo
Ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX - Sở GTVT TP.HCM, lý giải: Hiện nay, do nhu cầu học lái xe của người dân tăng cao, vượt quá khả năng đáp ứng về lưu lượng đào tạo, xe tập lái và giáo viên của các cơ sở đào tạo lái xe. Đó là lý do người dân khi đăng ký học lái xe tại các cơ sở đào tạo lái xe sẽ phải chờ một thời gian mới được bố trí khóa học.
Theo ông Quang, người dân khi đăng ký học lái xe tại cơ sở đào tạo nào thì cần yêu cầu cơ sở đó cung cấp đầy đủ thông tin về thời điểm được tham gia khóa học lái, ký kết hợp đồng đào tạo để được đảm bảo quyền lợi.
Trường hợp người học phát hiện ra trung tâm nào có tình trạng không đồng nhất về học phí thì thông báo đến Sở GTVT để xử lý theo quy định.
Trước đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Trường TC giao thông Tiến Bộ, cho biết chương trình đào tạo đã có nhiều thay đổi so với năm 2019 theo quy định của Bộ GTVT. Theo đó, số giờ học luật nhiều hơn, chương trình thực hành cũng thay đổi, vì thế để đáp ứng nội dung đào tạo mới, các trường có sự thay đổi học phí so với trước. Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định: “Dù nội dung đào tạo mới thì cũng không có trường nào tăng học phí lên 20-30 triệu đồng”. |
Nói về việc tăng giá học phí, ông Quang cho biết hiện nay một số trung tâm không tăng giá đào tạo lái xe mà chỉ bổ sung các lựa chọn mới cho học viên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người học.
Ví dụ hiện nay Trung tâm dạy nghề GTVT Viễn Đông có đưa ra nhiều lựa chọn cho học viên như: Đối với ô tô bốn chỗ, sử dụng xe Kia Pride thì học viên đóng phí là 10.500.000 đồng; ô tô bảy chỗ Toyota Zace thì học viên đóng phí là 11 triệu đồng…
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho người học, thi lấy GPLX, ông Quang cho biết trong tháng 3 Sở GTVT TP.HCM sẽ tổ chức kiểm tra công tác thu học phí đào tạo lái xe cơ giới đường bộ của tất cả cơ sở đào tạo lái ô tô trên địa bàn TP.
Theo ông Quang, nếu phát hiện sai phạm sẽ đề nghị cơ quan chức năng tiến hành xử lý vi phạm theo đúng quy định tại Nghị định 109/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và Nghị định 49/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 109/2013.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch cấp GPLX Hoàng Gia, thông tin: Theo Thông tư liên tịch 72/2011 giữa Bộ GTVT và Bộ Tài chính ban hành nêu rõ quy định về mức học phí của mỗi cơ sở đào tạo, sát hạch GPLX. Theo đó, căn cứ vào các quy định do Bộ GTVT ban hành, các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ xây dựng và quyết định mức thu học phí cụ thể đối với từng hạng GPLX chi tiết theo từng học phần. Các cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về quyết định ban hành mức thu và quản lý học phí của đơn vị. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra theo quy định. Trường hợp cơ sở đào tạo ban hành mức thu và thực hiện thu học phí không đúng quy định sẽ bị xử lý. Mức thu học phí của cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ phải xây dựng ổn định tối thiểu cho một khóa đào tạo. Đồng thời, mức thu học phí học lái xe, đơn vị phải công khai cho người học biết trước khi ký hợp đồng đào tạo với người học (khoản 4, 5, 6 Điều 2). Đơn cử tại Trung tâm Hoàng Gia sử dụng các loại xe chủ yếu được sản xuất năm 2018-2019 để đào tạo, sát hạch GPLX. Vì vậy, mức học phí tại đây cao hơn các trường hiện tại trên địa bàn TP.HCM. |