Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hậu COVID-19 và việc liên tục tang giá xăng dầu cũng như giá nhiều loại hàng hóa, sản phẩm đang leo thang, việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá vào thời điểm này có thể lợi bất cập hại, làm cho cuộc sống người lao động, nông dân, công nhân… thêm khó khăn chồng chất.
Đã khó càng thêm khó
Thuế TTĐB ngỡ là một chuyện xa xôi, nhưng thực tế có thể tác động trực tiếp đến đời sống công nhân vốn đã nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19. Hiện nay, nhiều nhà máy vẫn đang trong quá trình khởi động chậm chạp vì thiếu đơn hàng, vì giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, vì sức mua chậm… khiến thu nhập của công nhân bị ảnh hưởng, đời sống ngày càng khó khăn.
Người lao động trong các nhà máy sản xuất công nghiệp
Nếu tăng thuế TTĐB lên thuốc lá như các đề xuất hiện nay, các nhà máy, doanh nghiệp sẽ càng thêm lao đao vì giá cả tăng sẽ làm cho hàng hóa kém cạnh tranh, người tiêu dùng sẽ phải chắc chiu vất vả hơn. Doanh nghiệp sẽ đứng trước bài toán thu hẹp sản xuất, giảm nhân sự, giảm giá thu mua nguyên vật liệu, từ đó sẽ tác động trực tiếp đến đời sống và thu nhập của công nhân, người lao động trong chuỗi cung ứng.
Người nông dân cũng có thể chịu ảnh hưởng bởi đợt tăng thuế TTĐB lên thuốc lá. Anh Nông Văn Cánh (buôn Kơnia, xã Iatrok, huyện Iapa, Gia Lai) là nông dân tham gia trồng thuốc lá đã gần 10 năm. Thời gian qua, diễn biến giá cả và sản lượng thu mua thuốc lá từ các doanh nghiệp ít biến động nên mang lại thu nhập ổn định và đủ sống cho gia đình 4 nhân khẩu của anh.
Năm 2020, dịch COVID-19 xuất hiện làm gián đoạn kế hoạch trồng trọt. Anh không thể thuê nhân công hoặc nếu có giá cũng rất cao, từ đó làm chẳng có lời. Giãn cách xã hội lại khiến anh không thể ra đồng ruộng để chăm sóc và tưới nước. Kết quả là sản lượng sụt giảm, hòa vốn, cuộc sống khó khăn hơn. “Năm nay tôi mong các công ty hồi phục, hỗ trợ thu mua lá thuốc với giá tốt như trước dịch để bà con nông dân được nhờ”, anh Cánh chia sẻ.
Anh Nông Văn Cánh bên cánh đồng lá trù phú vốn là chỗ dựa thu nhập của gia đình anh nhiều năm nay
Ở vùng kế bên, chị Siu H Iêm (Buôn Jứ, xã Iabroai, huyện Iapa, Gia Lai), là một trong những hộ nông dân trồng thuốc lá lâu năm của vùng. Với 1,8 ha, mỗi năm gia đình chị thu được khoảng 120 triệu đồng, trang trải cho gia đình có 4 miệng ăn... Từ năm ngoái, khi dịch COVID-19 bùng phát, gia đình chị tuy đã nỗ lực về công lao động nhưng vật tư bị gián đoạn. Vài mảnh ruộng bị sâu hại tàn phá và chị đành bất lực không thể xử lý. “Chúng tôi không mong ước gì hơn là hết giãn cách, trở lại cuộc sống bình thường, có điều kiện chăm sóc cây trồng tốt hơn để phục hồi sản lượng và thu nhập”, chị Siu H Iêm bộc bạch.
Tuy nhiên, hiện giá dầu tưới, phân bón, công lao động tăng khiến mong đợi này của chị và nhiều nông dân khác khó thành sự thật. Bên cạnh đó, các đơn vị thu mua cũng đang đứng trước nỗi lo tăng thêm chi phí nếu đề xuất tăng thuế TTĐB với thuốc lá được thông qua.
Theo các chuyên gia, để cân đối chi phí đầu ra - đầu vào, các doanh nghiệp có thể phải giảm sản lượng và buộc phải hạ giá thu mua nguyên liệu. “Như thế, người nông dân sẽ khó có động lực để duy trì vùng trồng lá”, một chuyên gia phân tích.
Vùng trồng nguyên liệu bị đe dọa
Huyện Iapa là một trong những địa phương có diện tích cây thuốc lá lớn nhất của tỉnh Gia Lai. Vụ 2020-2021, trên địa bàn huyện có khoảng 700 hộ nông dân trồng thuốc lá với diện tích 1.119 ha. Đây là diện tích đất trồng được chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm và đất lúa kém hiệu quả, trong đó tập trung chủ yếu là đất trồng cây ngô, đậu đỗ, sắn. Trong điều kiện thuận lợi, không gặp sâu bệnh, năng suất bình quân của thuốc lá có thể đạt trên 3 tấn/ha, tổng sản lượng 3.360 tấn.
Năng suất và sản lượng này sẽ được các công ty bao tiêu theo hợp đồng đã ký ở mức giá bình quân 55.000 đồng/kg đối với thuốc lá đạt chất lượng và 55.000-60.000 đồng/kg với những hộ nông dân thu hoạch đúng chất, chất lượng sản phẩm tốt.
Thuế TTĐB có thể ảnh hưởng sâu rộng đến công việc và thu nhập của người nông dân như chị Siu H Iêm
Như vậy sau khi trừ chi phí, mỗi hộ trồng thuốc lá có thể lãi 60-80 triệu đồng/ha. Nếu tính thêm công lao động thì tổng thu nhập có thể là 80-120 triệu đồng/ha. Mức giá này được các đơn vị đầu tư và người nông dân tính toán và duy trì ổn định qua nhiều năm. Đây cũng là động lực giúp bà con nông dân chủ động chuyển đổi cây trồng, đem lại giá trị cao và góp phần phát triển vung nông thôn tại Việt nam.
Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19, giá phân bón, xăng dầu, vật tư đồng loạt tăng cao nên người nông dân gặp nhiều khó khăn.Thời tiết trở nên thất thường những năm gần đây cũng gây ra bất lợi cho mùa vụ.
Trong bối cảnh đó, các đề xuất tăng thuế TTĐB với thuốc lá có thể phá vỡ thế ổn định. Chính vì vậy, đã có một số kiến nghị Chính phủ chưa nên bàn đến việc tăng thuế thuốc lá vào thời điểm này, vì các địa phương, đặc biệt vùng sâu vùng xa đang trong kế hoạch xóa đói giảm nghèo của Nhà nước sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong trường hợp Nhà nước thấy cần phải tiến hành tăng thuế TTĐB với một số hàng hóa, theo các chuyên gia, một lộ trình tăng thuế hợp lý và thời điểm thực hiện cũng vô cùng quan trọng để các bên có thời gian phục hồi sau đại dịch.