Chẳng hạn như cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia; quyết tâm thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định.
Điều này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ trong việc chi dùng từng đồng ngân sách quốc gia để phục vụ cho các mục tiêu phát triển khác. Vấn đề còn lại là phải hiện thực hóa những mục tiêu đó, bởi lãng phí vốn là căn bệnh trầm kha khủng khiếp ở nước ta bấy lâu nay cùng tham nhũng đã gây ra thiệt hại rất lớn cho đất nước.
Đã có bao nhiêu đại dự án ngàn tỉ bỏ hoang, bao nhiêu công trình được đầu tư xây dựng từ những đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của người dân đã “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Chỉ riêng Nhà máy đạm Ninh Bình đầu tư với số vốn 12.000 tỉ đồng, bốn năm đi vào hoạt động mỗi năm lỗ gần 2.000 tỉ đồng. Hay như dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỉ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai. Nhà máy bột giấy Phương Nam được đầu tư với số vốn 3.000 tỉ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp…
Đó chỉ là những đại dự án đã bị “vạch mặt, chỉ tên”, còn bao nhiêu những đại dự án dạng này nhưng chưa được lôi ra ánh sáng? Đó là chưa nói đến hàng ngàn kiểu lãng phí khác đang mỗi ngày bào mòn, gặm nhấm nguồn lực của quốc gia từ các lễ hội, khai trương, động thổ, xe công, văn phòng phẩm, điện nước, mua sắm tài sản về đắp chiếu, lãng phí thời gian, lãng phí cả nguồn khổng lồ để nuôi một bộ máy có những người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”…
Ai cũng thấy chỉ cần mỗi năm hạn chế được một vài trong các đại dự án “đắp chiếu” trên đã đủ tiền để tăng lương cho toàn quốc, có nguồn kinh phí làm hàng vạn kilomet đường, hàng trăm điểm trường học, trạm y tế…
Chỉ có điều rất lạ, tiền lãng phí chảy vào túi ai? Ai chịu trách nhiệm và ai đã bị xử lý? Những câu hỏi ấy ở nhiều nơi, nhất là trong các đại dự án thất thoát ngàn tỉ đến nay vẫn còn là dấu chấm lửng. Rõ ràng việc không xử lý một cách nghiêm minh các cá nhân liên can chính là một thách thức rất lớn trong việc thực hiện các mục tiêu của chương trình trên.
Phải xóa bỏ ngay câu nói cửa miệng rất đau của dư luận rằng “luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” bấy lâu chỉ là “con hổ không răng”. Bởi có chính sách rõ ràng, có luật pháp cụ thể mà không cột được trách nhiệm, không trừng phạt được những hiện tượng lãng phí, bòn rút nguồn lực quốc gia thì làm sao thuyết phục được người dân.
Tình trạng trên đòi hỏi tới đây việc tổ chức thực hiện các mục tiêu đặt ra của chương trình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí phải hết sức cụ thể, bằng một hệ thống công cụ giám sát, kiểm tra, xử lý hữu hiệu. Hệ thống công cụ đó phải có khả năng lôi những thứ được xem là “vô hình, vô ảnh” như lãng phí, hiện hữu cụ thể. Hệ thống đó cũng phải được trao đủ quyền năng với những chế tài thích đáng nhất để trị tới nơi tới chốn những cá nhân, tổ chức sai phạm.
Chỉ có thế mới trị được loài “virus” lãng phí và chặn đứng khả năng “kháng thuốc” của chúng!