Thế nhưng lâu nay, nhiều người gọi đến phòng khám tư nhờ bác sĩ đến nhà khám rồi lầm tưởng đây là mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ).
Nhầm
Là một bà mẹ đơn thân, khi bé Tít 2 tuổi bị sốt cao không rõ nguyên nhân, chị Thương ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã gọi điện đến một phòng khám tư nhân ở đường Nghĩa Dũng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với yêu cầu muốn sử dụng dịch vụ bác sĩ khám tại nhà và lấy máu, phân đi xét nghiệm cho con trai.
Sau khi khám cho bệnh nhi, hỏi han người nhà về tình hình sức khỏe, bác sĩ của phòng khám tư nhân trên viết phiếu chỉ định làm một số xét nghiệm cho bệnh nhi. Bé Tít không phải đến bệnh viện mà có người của phòng khám đến nhà lấy máu và trả kết quả tại nhà bệnh nhi. Khi có kết quả, bác sĩ của chính phòng khám sẽ đọc kết quả và kê đơn thuốc.
Chị Thương tâm sự, nhà neo người, đi viện rất vất vả. Qua giới thiệu của bạn bè, chị thường gọi bác sĩ đến nhà khám, nếu bác sĩ yêu cầu phải đưa con tới bệnh viện, chị Thương mới đưa đi.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: bacsytructuyen.com.
Chia sẻ với PV, chị Thương cho biết rất an tâm với dịch vụ khám bệnh tại nhà thế này và chị hồn nhiên nghĩ đây là hoạt động của mô hình BSGĐ do Bộ Y tế phát động. Qua tìm hiểu thực tế, PV ghi nhận không chỉ chị Thương mà rất nhiều người dân vẫn nghĩ dịch vụ gọi BS đến nhà và mô hình mới BSGĐ là một.
Tuy nhiên, theo giải thích của ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thì BS đến khám tại nhà được gia đình gọi tới chỉ là đến khám, mang tính nhất thời. Còn mô hình BSGĐ mà Bộ Y tế đang hướng tới là mô hình chăm sóc sức khỏe lâu dài, liên tục và có tính cộng đồng cao.
BS theo mô hình này có nhiệm vụ khâu hướng dẫn phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh cũng như kiểm soát bệnh mãn tính. Người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám phải là BS có chứng chỉ hành nghề về y học gia đình.
Hướng mới của BSGĐ
Sau nhiều lần dự thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký Thông tư hướng dẫn thí điểm về BSGĐ và phòng khám BSGĐ.
Theo đó, từ ngày 15/7/2014, mô hình BSGĐ chính thức triển khai. Điều đặc biệt của phòng khám BSGĐ là được phép thực hiện khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm y tế.
Ông Trần Quý Tường nói rõ hơn, BSGĐ có nhiệm vụ quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân, hộ gia đình. Phòng khám bác sĩ gia đình phải có hồ sơ quản lý toàn diện về sức khỏe của cá nhân, hộ gia đình đồng thời có trách nhiệm giữ bí mật thông tin cá nhân của người đăng ký quản lý sức khỏe theo quy định của pháp luật.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec, BSGĐ theo đúng nghĩa là bác sĩ điều trị, chăm sóc ngoại trú, ban đầu cho người bệnh đối với những vấn đề sức khỏe thường gặp. BSGĐ có trách nhiệm chăm sóc liên tục 24 giờ mỗi ngày trong tuần, chăm sóc suốt đời (từ lúc còn là bào thai cho đến lúc qua đời); chăm sóc sức khỏe cho cả một gia đình và chăm sóc một cách thân thiện, gần gũi.
Từ năm 2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I về y học gia đình.
Theo ông Tường, hiện nay, hầu hết phòng khám tư nhân chưa được tham gia khám bệnh, chữa bệnh diện bảo hiểm y tế và chưa được theo dõi lâu dài. Do đó, hiệu quả chưa cao và chưa đóng góp nhiều vào việc giảm tải bệnh viện.
Khi BSGĐ đi vào hoạt động, sẽ giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện.
“Hoạt động BSGĐ sẽ giúp giảm bớt gánh nặng về thời gian, công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, kinh phí BHYT, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội; tăng sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, giảm đi những vấn đề bức xúc của xã hội”, ông Tường nói.
Theo Bảo Thoa (PNO)