Ngày 22-2, TAND tỉnh Hậu Giang tiếp tục ngày thứ ba xét xử vụ án cố ý làm trái… xảy ra tại Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang (gọi tắt là CTLT Hậu Giang) gây thất thoát hơn 200 tỉ đồng.
Các bị cáo gồm Võ Trường Hùng (cựu tổng giám đốc CTLT Hậu Giang), Đặng Hoàng Việt (cựu phó tổng giám đốc), Trần Xuân Mãi (cựu kế toán trưởng), Lê Trần Quang Thái (cựu trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh CTLT Hậu Giang) và Võ Thị Thu Hà (giám đốc Công ty TNHH XNK - TM Võ Thị Thu Hà) cùng bị truy tố về tội cố ý làm trái... Bị cáo Huỳnh Văn Thông (cựu phó tổng giám đốc kiêm nguyên chủ tịch HĐQT CTLT Hậu Giang) bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đại diện VKS đề nghị tòa tạm hoãn
Qua ba ngày xét hỏi, bị cáo Hùng đã thừa nhận hành vi cố ý làm sai quy định khi ký các hợp đồng khống để nhằm chuyển tiền cho công ty của Hà.
Các bị cáo Mãi, Thái, Việt cho rằng mình không cố ý làm trái, không phải là đồng phạm của Hùng vì không biết hành vi làm trái của Hùng, chỉ làm theo chỉ đạo và Hùng cũng thừa nhận điều này.
Trong khi đó, bị cáo Hà vẫn bảo lưu lời khai ở các phiên tòa trước rằng không tham gia bàn bạc gì với Hùng, các hợp đồng đều là thật. Bị cáo Thông thì cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm theo quy định.
Kết thúc phần xét hỏi, HĐXX đề nghị đại diện VKSND tỉnh Hậu Giang phát biểu quan điểm luận tội. Tuy nhiên, đại diện VKSND tỉnh cho rằng trong quá trình thẩm vấn công khai các bị cáo và những người liên quan tại tòa xét thấy có nhiều vấn đề phát sinh có thể làm thay đổi nội dung cáo trạng. Do đó, đại diện VKS đề nghị tòa tạm hoãn phiên xử để VKSND tỉnh hỏi ý kiến của VKSND Tối cao.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Đối với yêu cầu này, luật sư Lê Hoàng Nhí (bào chữa cho Thái) cho rằng đề nghị của VKS không phù hợp và yêu cầu tiếp tục phiên tòa với những phần tiếp theo. Theo luật sư, nếu trong trường hợp VKS không có đủ căn cứ buộc tội thì đề nghị rút truy tố hoặc làm giảm truy tố, đặc biệt là các vấn đề được đề nghị trả hồ sơ trước đây nhưng chưa được làm rõ.
Đồng quan điểm, luật sư bào chữa cho bị cáo Hà đề nghị tiếp tục phiên xử bởi tòa đã trả hồ sơ nhiều lần nhưng cqđt không chứng minh được. Do đó, luật sư yêu cầu tiếp tục xét xử vụ án theo những nội dung có trong cáo trạng, những vấn đề nào chưa chứng minh thì tòa xem xét tuyên chưa đủ chứng cứ buộc tội hoặc tuyên vô tội.
Còn CTLT Hậu Giang lại yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm xác định lại tội danh của Hà và xử lý trách nhiệm đối với tám công ty đã tiếp tay cho Hà.
Tòa tạm ngưng phiên xử năm ngày
Sau khi hội ý, hđxx nhận định: VKSND tỉnh Hậu Giang chỉ nhận ủy quyền của VKSND Tối cao, quá trình thẩm vấn tại tòa phát sinh nhiều tình tiết mới có thể thay đổi cáo trạng nên phải hỏi ý kiến cấp trên. Đây là yếu tố khách quan. Tuy nhiên, việc áp dụng Điều 297 BLTTHS để hoãn phiên tòa là không phù hợp. Bởi tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần, việc hoãn phiên tòa và xét xử lại từ đầu thì mất nhiều thời gian, gây khó khăn chung.
Do đó, hđxx áp dụng Điều 251 BLTTHS quyết định tạm ngưng phiên tòa năm ngày để VKSND tỉnh Hậu Giang hỏi ý kiến cấp trên. Phiên tòa dự kiến sẽ tiếp tục vào ngày 27-2.
Làm trái, gây thiệt hại 205 tỉ đồng Theo cáo trạng mới nhất của VKSND Tối cao, ngày 23-5-2018, Võ Trường Hùng, tổng giám đốc CTLT Hậu Giang (đại diện 10% phần vốn nhà nước), đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo với Công ty MT Centertrade Co.Ltd (Thái Lan). Tổng giá trị hợp đồng là 41,25 triệu USD, tương đương 868 tỉ đồng, cao hơn 40% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Việc này không thông qua HĐQT. Hùng cũng chuyển tiền ứng trước cho Võ Thị Thu Hà vượt 10% so với quy định, không kiểm tra nguồn hàng, không xác định số lượng thực có trong kho nhưng vẫn ký bán lại số lượng gạo đã mua của công ty Hà, gây thiệt hại trên 32 tỉ đồng. Ngoài ra, Hùng còn câu kết với Hà lập khống các hợp đồng mua bán gạo, ký các chứng từ thanh toán, quyết toán không đúng quy định... Tổng số tiền Hùng đã gây thiệt hại cho CTLT Hậu Giang là trên 205 tỉ đồng. Hùng bị cáo buộc với vai trò chủ mưu cầm đầu. Còn Hà là đồng phạm giúp sức cho hùng, câu kết với Hùng cùng thực hiện hành vi gian dối trong việc ký 14 hợp đồng khống mua 71.000 tấn gạo, cùng với các sai phạm khác đã gây thiệt hại cho CTLT Hậu Giang trên 172 tỉ đồng. Bị cáo Huỳnh Văn Thông, người đại diện 23,28% vốn nhà nước tại CTLT Hậu Giang thì đã không thực hiện hết trách nhiệm kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, để Hùng làm trái quy định của Nhà nước trong thời gian dài, gây thiệt hại cho CTLT Hậu Giang 205 tỉ đồng… |