Đường sách sẽ giảm giá... cà phê!

Sáng 9-3, một cuộc họp đã diễn ra tại NXB Trẻ TP.HCM để đưa ra những giải pháp nhằm phát triển hoạt động của đường sách trên đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP.HCM.

Có tồn tại?

Cuộc họp được tổ chức bởi Công ty TNHH MTV Đường sách TP.HCM (Công ty Đường sách) với đại diện Bộ, Sở TT&TT TP.HCM, lãnh đạo các NXB, công ty sách và báo chí.

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam kiêm Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, cho biết hiện có thông tin cho rằng đường sách sẽ không được tồn tại vì chiếm dụng lòng, lề đường trong khi quận 1 đang lập lại trật tự đường phố. Theo ông Lê Hoàng, Công ty Đường sách từ lúc thành lập chịu sự chỉ đạo trực tiếp bởi Sở TT&TT và Hội Xuất bản Việt Nam, hoạt động theo mục tiêu, kế hoạch của UBND TP.HCM.

Bà Quách Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, nói thêm: “UBND TP cho mảnh đất vàng nên những người thực hiện luôn trăn trở làm sao cho tốt. Đường sách phải kinh doanh hiệu quả để các đơn vị tham gia trụ lại, đồng thời đáp ứng được kỳ vọng của lãnh đạo TP và mong đợi của người dân”.

Ông Lê Hoàng cho biết Công ty Đường sách đã và đang làm việc với Cục Thuế để minh bạch, đảm bảo rằng tiền từ hoạt động đường sách chỉ quay ngược về phục vụ cho phát triển đường sách. Hiện nhiều nơi như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế, Hội An, Vũng Tàu… đang học theo mô hình của TP.HCM để xây dựng đường sách, phố sách, vườn sách.

Người dân TP.HCM thực sự mong muốn đường sách trở thành không gian phúc lợi công cộng. Ảnh: HÒA BÌNH

Quá ít không gian

Bà Quách Thu Nguyệt chia sẻ: “Đường sách phải giữ cho được không gian tri thức và thư giãn cho người dân TP. Sắp tới tại đây sẽ có một thư viện thiếu nhi mini. Chúng tôi cũng muốn tăng thêm cảnh quan, nơi vui chơi cho trẻ em. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó vì đường sách chỉ dài 144 m”.

Đại diện NXB Kim Đồng cũng cho rằng không gian tại đường sách không đủ tổ chức sự kiện cho thiếu nhi vì quá chật hẹp. NXB này lo lắng khi quận 1 dẹp hai bãi giữ xe trên lề đường, chỗ gửi xe đã khó càng thêm khó. Đại diện một số đơn vị đặt câu hỏi: “Sự tồn tại của hai quán cà phê trên đường sách có công bằng không? Trong khi những gian hàng sách phải giảm giá sách để kéo khách đến thì hai quán cà phê lại bán giá quá cao”.

Ông Lê Hoàng trả lời: “Đường sách quá chật, không thể bố trí thêm quán cà phê nữa. Ban quản lý đã cho nắm lại diện tích hai quán cà phê để nâng giá cho thuê. Giá bán sẽ được xem xét lại”.

Nhiều người đồng tình với ý kiến cho rằng cần tận dụng không gian này làm một thư quán, đặt nhiều ghế ngồi cho du khách nghỉ chân, đọc sách. Đây cũng sẽ là điểm vui chơi, đọc sách miễn phí cho thiếu nhi và cũng là nơi tổ chức sự kiện, các buổi ra mắt sách... Tại thư quán, rất cần đấu thầu để có một đơn vị bán thức uống với giá rẻ phù hợp túi tiền mọi người dân. Có như vậy, đường sách càng đẹp và thực sự trở thành không gian phúc lợi công cộng.

Sở TT&TT TP.HCM cho biết sẽ trình UBND TP bốn phương án để có quyết định chính thức về tính pháp lý của đường sách. Đồng thời ghi nhận ý kiến của các đơn vị, tìm kiếm giải pháp hợp lý để trả lời sớm nhất trong tháng 3.

TP.HCM cũng đang có kế hoạch xây dựng thêm bốn đường sách nữa tại các quận, huyện khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm