Em trai ông Thăng là người duy nhất được đề nghị giảm án

Ngày 6-6, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục đưa vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Tại tòa, đại diện VKS đã đưa ra quan điểm luận tội của mình.

Bị cáo Đinh Mạnh Thắng được đề nghị giảm án. Ảnh: TTXVN

Trịnh Xuân Thanh có vai trò chỉ đạo

Theo đó, đại diện cơ quan giữ quyền công tố khẳng định hoàn toàn có đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của các bị cáo đúng như bản án sơ thẩm đã nhận định và quy kết.

Trong đó, có đủ cơ sở xác định Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT PVC) là người có vai trò chỉ đạo quyết định chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương.

Cụ thể, cuối năm 2009 đầu năm 2010, PVN có chủ trương chuyển tất cả công ty đầu tư kinh doanh bất động sản về cho PVC quản lý. Cùng thời điểm này, bị cáo Lê Hòa Bình (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ 1/5 và Công ty CP Minh Ngân) muốn mua dự án Nam Đàn Plaza do PVP Land chiếm 50,5% vốn.

Sau đó, thông qua môi giới của bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, bị cáo Bình cùng với năm cổ đông của Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương ký hợp đồng đặt cọc mua 24 triệu cổ phần với giá hơn 20.000 đồng/cổ phần. Tổng giá trị hợp đồng gần 500 tỉ đồng.

Để mua tiếp số cổ phần còn lại, Thái Kiều Hương (nguyên phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Vietsan) nhờ bị cáo Đinh Mạnh Thắng (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà) kết nối gặp bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị cho PVP Land thoái vốn tại dự án Nam Đàn Plaza. Sau đó, Trịnh Xuân Thanh đã đồng ý và chỉ đạo bị cáo Đào Duy Phong (nguyên chủ tịch HĐQT PVP Land) đứng ra thu xếp việc mua bán.

Thực hiện sự chỉ đạo, bị cáo Phong đã ký tờ trình gửi PVC phê duyệt phương án bán hơn 12 triệu cổ phần với giá 13.578 đồng/cổ phần (tương đương giá 34 triệu đồng/m2 đất tại dự án Nam Đàn Plaza) và được Trịnh Xuân Thanh đồng ý. Vài ngày sau đó, bị cáo Bình chuyển nhượng cổ phần với cổ đông của Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương với giá 52 triệu đồng/m2 (chênh lệch 18 triệu đồng/m2). Tổng số tiền chênh lệch hơn 87 tỉ đồng.

Sau khi bị cáo Bình thanh toán 50% giá trị hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, Thái Kiều Hương đã yêu cầu đưa 14 tỉ đồng để đưa lại cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ngoài ra, bị cáo Bình còn chuyển cho bị cáo Phong 10 tỉ đồng, Đặng Sỹ Hùng (nguyên trưởng phòng Kinh tế PVP Land) 20 tỉ đồng và bị cáo Thắng nhận 5 tỉ đồng. Tổng số các bị cáo đã nhận 49 tỉ đồng là khoản tiền chênh lệch mua cổ phần của PVP Land.

Kết quả điều tra về việc ký hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá trị, đã xác định được các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đã có sự móc nối, chỉ đạo, thông đồng với các bị cáo Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa (nguyên kế toán trưởng Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ 1/5 và Công ty CP Minh Ngân) để thực hiện việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực tế đặt cọc 52 triệu đồng/m2 với số tiền hơn 87 tỉ đồng để lấy tiền chênh lệch, chia nhau chiếm đoạt.

Trong đó bị cáo Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt 14 tỉ đồng; Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt 5 tỉ đồng; Đào Duy Phong chiếm đoạt 8 tỉ đồng; Nguyễn Ngọc Sinh chiếm đoạt 2 tỉ đồng; Đặng Sỹ Hùng chiếm đoạt 20 tỉ đồng; tổng cộng các bị cáo đã chiếm đoạt được 49 tỉ đồng trong tổng số hơn 87 tỉ đồng.

Đề nghị giảm án do thành khẩn khai báo

Xét kháng cáo của bị cáo Thoa, VKS cho rằng tại tòa, bị cáo thừa nhận theo chỉ đạo của Lê Hòa Bình chuyển tiền cho các bị cáo liên quan. Khi chuyển tiền, bị cáo Thoa biết số tiền trên là tiền chênh lệch giá mua bán cổ phần, không đúng với quy định của Luật Kế toán.

Bị cáo Thoa không được hưởng lợi nhưng vì động cơ cá nhân, bị cáo vẫn giúp Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Do đó, cấp sơ thẩm xử bị cáo Thoa đồng phạm tội tham ô là có căn cứ, đúng pháp luật và không oan.

Theo VKS, việc bị cáo kêu oan là do nhận thức pháp luật của bị cáo. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo đã được tòa cấp sơ thẩm ghi nhận và áp dụng mức hình phạt thấp nhất dưới khung đối với bị cáo là phù hợp.

Đối với bị cáo Thái Thị Kiều Hương và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, sau khi phân tích tính chất, mức độ phạm tội của từng người, đại diện VKS cho rằng cũng không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bởi tội danh cũng như những mức án cụ thể đối với từng bị cáo đã được cấp tòa sơ thẩm áp dụng đúng và phù hợp.

Đại diện VKS cho rằng bản án sơ thẩm xét xử các bị cáo tội tham ô tài sản là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan. Do vậy, VKSND Cấp cao tại Hà Nội bác kháng cáo kêu oan của Nguyễn Thị Kim Thoa, bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Thái Kiều Hương, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy.

Đối với bị cáo Đinh Mạnh Thắng, VKS xét thấy bị cáo đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, hợp tác trả lại tiền theo yêu cầu của bị cáo Hương; thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, có nhiều thành tích trong công tác, được tặng thưởng nhiều huân huy chương, gia đình có công với cách mạng, do vậy VKS xét thấy có căn cứ để chấp nhận kháng cáo, đồng thời đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Đinh Mạnh Thắng.

Về kháng cáo dân sự, VKS bác kháng cáo đề nghị được trả lại số tiền 2 tỉ đồng mà bà Nguyễn Thúy Hoa (vợ bị cáo Đào Duy Phong) đã nộp thừa để khắc phục hậu quả cho chồng trong vụ án vì không thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết trong phiên tòa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm